Thức ăn đường phố: Rẻ, tiện nhưng liệu có an toàn?

author 07:13 17/09/2023

(VietQ.vn) - Tại Việt Nam, thức ăn đường phố đã trở thành nét văn hóa ẩm thực độc đáo nhất là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên thực phẩm này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc.

Ẩm thực đường phố đa dạng và nhộn nhịp 

Tại Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp các quầy bán thức ăn đường phố. Từ các loại thức ăn nhanh phục vụ bữa sáng, bữa phụ như xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán...cho tới các loại nước uống tự chế biến như nước ép, sữa hạt, cà phê... đã góp phần làm nên tên tuổi của ẩm thực đường phố. 

Đặc biệt ở các thành phố lớn từ các khu chợ truyền thống, cổng trường học, các khu du lịch, vỉa hè, hay thậm chí sâu trong các con ngõ nhỏ, rất dễ dàng để mua được các loại đồ ăn đã được chế biến sẵn, bày bán bắt mắt với đủ loại đồ ăn nhanh.

Lợi thế lớn nhất của thực phẩm đường phố là rẻ, nhanh chóng và tiện lợi, phù hợp với đại đa số người dân Việt Nam. Từ người đi làm, học sinh, sinh viên, các cụ ông, cụ bà cũng sẵn lòng dừng chân tại một điểm bán để chờ mua những đồ ăn nóng hổi luôn được phục vụ từ sáng sớm tới đêm khuya.

Ghi nhận tại một khu chợ truyền thống thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, nhiều xe đẩy di động và những sạp hàng nhỏ bày bán các món ăn được chế biến ngay trước mắt khách hàng. Không che chắn, đồ sống để lẫn với đồ đã chế biến, người bán dùng tay trần trực tiếp bốc đồ ăn,... đã không còn là hình ảnh hiếm thấy. Thậm chí, có quán ăn còn kinh doanh ngay cạnh khu tập kết rác thải tự phát của người dân, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng. 

Sát các khu trường học, ký túc xá, thức ăn đường phố càng được đà phát triển mạnh, bởi đây được cho là nhóm khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này nhiều nhất. Tầm khoảng 3 - 4 giờ chiều hàng ngày, những xe đẩy “ẩm thực” liên tiếp mọc lên tại khu vực ngõ 130 Xuân Thủy - nơi được mệnh danh là “thiên đường ăn uống” của sinh viên Cầu Giấy.

 Thực phẩm đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Ảnh: HNM

Còn tại TP.HCM, kinh doanh thức ăn đường phố cũng rất nhộn nhịp. Tại đây có đầy đủ những món ăn khác nhau từ tiết canh ngan, nem chua, các món gỏi cá, gỏi tôm,… chấm với xì dầu, mù tạt, thực phẩm chế chiên rán...

Ghi nhận tại chợ Hồ Thị Kỷ dù ngoài nổi tiếng là chợ đầu mối hoa tươi lớn nhất nằm trên đường Hồ Thị Kỷ, phường 1, quận 10 nhưng chợ còn nổi tiếng với khu ẩm thực đường phố gây “sốt”. Từ món Âu, món Á, đến các đặc sản Sài Gòn cũng như các vùng miền khác ở Việt Nam đều có mặt ở chợ Hồ Thị Kỷ.

Một trong những khu ẩm thực đường phố nổi tiếng có thể kể đến là đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, nơi tập trung nhiều hàng quán bán bánh tráng trộn cùng đậu phộng, rau răm, trứng cút. Tại con đường này, cũng không khó để bắt gặp những xe đẩy bán các loại nem, tré trộn, món ăn có nguồn gốc từ miền Trung như chả heo, chả bò, tré, nem chua thêm tỏi ớt xắt lát, rau răm cho đủ vị chua, cay, mặn, ngọt.

Hồ Con Rùa cũng là khu ẩm thực đường phố TP.HCM nhộn nhịp. Tại đây, các món ăn được bày bán đa dạng như bánh tráng, xoài trộn, gỏi nem chả, bánh đúc ngọt, nước giải khát, trà sữa… Về đêm, những gánh hàng ăn vặt từ khắp nơi tụ về tạo nên một khung cảnh vô cùng náo nhiệt. Nhiều nhất là các gánh bán bánh tráng với đủ kiểu chế biến như trộn, cuốn hoặc nướng.

Tại Bắc Ninh, theo thông tin từ Ban Quản lý An toàn thực phẩm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng có khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chiếm gần 14% tổng số sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố này chủ yếu là tự phát, hoạt động vào ban đêm, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, ý thức của một số người kinh doanh còn chưa cao.

Xét về yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều cơ sở trong lĩnh vực này chưa đáp ứng tiêu chí theo quy định. Bởi vậy, giải pháp cần được tăng cường là tiếp tục làm tốt công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân; qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với cơ sở ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.

Nguy cơ gây ngộ độc cao từ ẩm thực đường phố

Nói tới loại thức ăn đường phố, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó, phần lớn là do sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại như E.coli, tả, thương hàn... Các loại vi khuẩn này thường tồn tại, phát triển thành các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong môi trường thức ăn đường phố.

Thực tế cho thấy, hầu hết người tiêu dùng đều biết thức ăn đường phố có nguy cơ bị nhiễm khuẩn rất cao nhưng nhiều cửa hàng dù có vị trí rất nhếch nhác vẫn thu hút đông khách. Đằng sau nhiều loại thực phẩm được bày bán đa dạng tại vỉa hè với mùi vị thơm phức ấy là cả một “công nghệ phù phép”. Chưa kể bụi đường, các loại vi khuẩn gây bệnh cùng mùi hôi từ cống rãnh, rác thải. 

Đối với những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ngộ độc thực phẩm. Việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính như đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa... Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì... Hơn nữa, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng... tồn dư trong các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư. Mặc dù chỉ bỏ ra một số tiền ít ỏi để có một bữa ăn nhưng người tiêu dùng đang phải trả “giá đắt” vô hình liên quan tới sức khỏe.

Theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, kinh doanh thức ăn đường phố, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, sơ chế nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ... Đây là bất cập gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Ban Quản lý an toàn thực phẩm các tỉnh, TP: Bắc Ninh, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Các địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để phát hiện bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trong đó, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố…

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các đơn vị trong quá trình kiểm tra, kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có dấu hiệu hình sự, đề nghị chuyển cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Để thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, an toàn thì bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân nên mua thức ăn chế biến sẵn ở địa chỉ tin cậy, nói không với thực phẩm “bẩn”; kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý về các quán ăn không tuân thủ quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Đó chính là biện pháp cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang