Thương lái Trung Quốc dán nhãn cho vải thiều trước mặt người Việt

author 06:17 11/06/2015

(VietQ.vn) - Thừa nhận có tình trạng Trung Quốc thu mua quả vải Việt Nam rồi dán tem nhãn xuất đi nước khác, Chủ tịch HH sản xuất và tiêu thụ vải Thanh Hà cho biết: “Họ cân vải rồi dán nhãn ngay trước mặt chúng ta”.

Mặc dù biết rất bất lợi cho chúng ta nhưng ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch HH sản xuất và tiêu thụ vải Thanh Hà (Hải Dương) cho biết, vẫn chưa có giải pháp gì để hạn chế hiện tượng này. Nói về việc làm của các thương lái Trung Quốc, vị này cho hay, khi cân vải, các thương lái thể hiện rõ quan điểm không cần nhãn mác của chúng ta. Họ trực tiếp yêu cầu các công nhân bốc xếp người Việt dán nhãn Trung Quốc vào quả vải Việt Nam.

“Rất đau đớn nhưng chúng tôi chỉ là Hiệp hội nhỏ cũng lực bất tòng tâm. Việc tìm lại thương hiệu của chính mình chỉ có thể trông chờ vào các cơ quan chức năng trong việc tạo ra các chỉ dẫn địa lý cho quả vải”.

Thông tin về thị trường quả vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) năm nay, ông Bát cho biết, giá bán lẻ hiện đang ở mức từ 7.500-8.000 đồng/kg – cao hơn mọi năm và việc tiêu thụ đã bớt khó khăn.

Thương lái Trung Quốc dán nhãn cho vải thiều trước mặt người Việt

Quả vải Việt Nam bị dán nhãn Trung Quốc đem đi xuất khẩu. Ảnh: Tuổi Trẻ

 “Đã đồng ý bán thì không làm gì được”

 Nêu quan điểm về sự việc này, chuyên gia nông nghiệp, nhà giáo ưu tú Võ Tòng Xuân cho biết: “Mình đã đồng ý bán rồi thì không làm gì được nữa”.

Để hạn chế tình trạng này, GS Tòng Xuân cho rằng, chỉ còn cách đẩy mạnh thị trường trong nước, ưu tiên người Việt dùng hàng ngon trước, còn lại mới bán cho thương lái Trung Quốc. Hoặc, cứ để thương lái thu mua nhưng với giá cao. Nếu lo ngại bị ép giá, nên đưa vào vải thiều vào thị trường miền Nam tiêu thụ.

Một giải pháp được cho là chắc chắn nhất là lấy được các đơn đặt hàng trực tiếp của các thương lái. “Chỉ qua thương lái trong trường hợp chữa cháy hay ế hàng thôi, chúng ta không thể suốt ngày buôn chuyến như vậy được”, GS Võ Tòng Xuân nêu quan điểm.

Ngoài ra, sự liên kết giữa các Bộ ngành vô cùng quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Công thương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nội có “tấm vé” dễ dàng xâm nhập vào thị trường Úc, Mỹ như thời gian vừa qua.

Không phủ nhận động thái tích cực trong thời gian qua của Bộ Công thương về vấn đề thúc đẩy tiêu thụ quả vải nhưng GS Xuân cho rằng, Bộ này phải tính đến những giải pháp lâu dài.

“Các Bộ cần xem xét lại thị trường tiêu thụ quả vải ở Úc, Mỹ để có hướng quy hoạch đất trồng vải, tổ chức sản xuất phù hợp thay vì trồng lúa nước – nông dân mãi nghèo như hiện nay. Trồng vải phải mất 5-6 năm mới được thu hoạch chứ không như lúa nước nhưng cần nhìn vào giải pháp dài hơi thay vì ăn xổi ở thì như hiện nay”, ông Võ Tòng Xuân nói.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang