Mắc tiêu chảy hậu COVID-19, nên bổ sung chế độ dinh dưỡng thế nào để có lợi sức khỏe

author 13:58 30/03/2022

(VietQ.vn) - Tiêu chảy là một trong những triệu chứng của người bệnh mắc COVID-19 do virus làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh có thêm triệu chứng buồn nôn và kém ăn hơn trước.

Nguyên nhân gây tiêu chảy ở người mắc COVID-19

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm, TP.HCM chia sẻ, có 3 khả năng khiến người bị COVID-19 bị tiêu chảy:

Thứ nhất là do uống quá nhiều thuốc, có người thấy mình là F0 lo lắng quá đã vội uống nhiều thuốc, nhiều kháng sinh dẫn tới tiêu chảy. Xử lý tình trạng này, F0 có thể ăn thêm sữa chua, men tiêu hoá giảm tình trạng tiêu chảy.

Thứ hai là nhiều người là F0 lo lắng, tập trung bồi bổ sức khoẻ, có người không hợp sữa cũng cố uống sữa, có người uống nhiều vitamin gây đầy bụng, đủ các loại dẫn tới rối loạn tiêu hoá. BS Khanh cho rằng những người không hợp thức ăn nhưng cố ăn với tâm lý bồi bổ, các thực phẩm không quen thì cũng có thể gây tiêu chảy. Khi đó, F0 có thể tự điều chỉnh thức ăn, bù nước để cải thiện.

Thứ 3 đó là do virus. Người bệnh khi nhiễm virus SARS-CoV-2 ngoài các biểu hiện về hô hấp còn có các triệu chứng về bệnh đường tiêu hoá như nôn ói, tiêu chảy. Đây cũng hiện tượng bình thường vì khi nhiễm virus, tiêu chảy là cách thải virus ra đường tiêu hoá. Khi thải ra đường tiêu hoá thì virus kích thích đường tiêu hoá gây tiêu chảy.

Tiêu chảy là triệu chứng dễ gặp ở người bệnh hậu COVID-19.

Nguy cơ F0 bị tiêu chảy là cao hay thấp

Nhờ minh chứng hóa sinh, tiêu chảy đã được chấp nhận là triệu chứng của bệnh nhân Covid. Triệu chứng này có thể gây nên hậu quả nghiệm trọng với sức khỏe của cả cộng đồng. Con đường lây nhiễm từ phân - miệng khiến cho những cơ sở chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cần được sát sao.

Theo nghiên cứu, sử dụng Clo sát khuẩn không phải là cách hiệu quả. Sức tàn phá của virus khá mạnh chúng có thể chống chọi lại sau khi đã khử trùng bằng clo. Vì vậy cần nhanh chóng tìm ra giải pháp để ngăn chặn kịp thời vấn đề về đường tiêu hóa.

Các kết quả nghiên cứu và thống kê thực tế có sự chênh lệch không hề nhỏ. Triệu chứng tiêu chảy nói chung ở bệnh nhân covid được thống kê là dao động 5 - 10%. Mỗi kết quả nghiên cứu sẽ không cho kết quả tương đương. Và thực tế là tỷ lệ tổng hợp lại lên đến 20 - 30% nguy cơ f0 bị tiêu chảy.

Chế độ dinh dưỡng cải thiện tiêu chảy hậu COVID-19

Để cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy sau khi mắc COVID-19, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cần ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, dễ hấp thu để cung cấp đủ năng lượng và nhanh phục hồi hệ tiêu hóa. Hạn chế thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương đường tiêu hóa.

Thực phẩm người bị tiêu chảy nên dùng

Khi bị tiêu chảy, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu tinh bột như gạo, khoai tây, bánh mì…; Thực phẩm chứa lợi khuẩn như sữa chua, sữa đậu nành, sữa không có lactose; trái cây như chuối, táo, cà rốt…

Thức ăn nên nấu mềm, dạng lỏng nhiều nước như cháo, súp... Khi đỡ hơn có thể ăn đặc dần lên.

Một số món ăn thích hợp với người bị tiêu chảy bao gồm: cháo trắng muối, cháo thịt băm, súp gà, cháo thịt gà, cháo thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ…

Những món ăn này bổ sung dinh dưỡng, dễ hấp thu, bù nước cho cơ thể và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh hồi phục.

 Người bị tiêu chảy nên ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như cháo.

Người bị tiêu chảy nên uống nước gì?

Người bệnh bị tiêu chảy cần uống nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn.

Các loại nước uống phù hợp với người bị tiêu chảy bao gồm: nước chín, nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi…

Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, nước dùng nấu cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.

Những thực phẩm cần hạn chế khi bị tiêu chảy

Vì thức ăn nhiều chất béo làm tăng tốc độ co bóp của ruột, có thể làm trầm trọng các triệu chứng của bệnh.

- Cần lưu ý tránh một số thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng như: đậu, bông cải xanh, cải bắp, súp lơ trắng, một số loại trái cây khô như mơ khô, mận khô, nho khô…

- Trong trường hợp người bệnh có biểu hiện không dung nạp lactose cần tránh sữa và các sản phẩm từ sữa.

- Các loại đồ uống như: rượu, cà phê và nước có gas không gây tiêu chảy nhưng chúng có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa. Người bệnh nên tránh các loại đồ uống này cho đến khi tình trạng bệnh ổn định.

- Không ăn rau sống và các thực phẩm chưa được nấu chín kỹ, thực phẩm không an toàn.

Có nên bổ sung thực phẩm giàu kẽm khi bị tiêu chảy?

Khi bị tiêu chảy, niêm mạc ruột bị tổn thương nên việc bổ sung thực phẩm giàu kẽm góp phần thúc đẩy nhanh sự hồi phục của đường ruột. Kẽm cũng giúp tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ biếng ăn sau tiêu chảy, giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng.

Để bổ sung kẽm, tốt nhất người bệnh cần chú ý ăn những thực phẩm chứa nhiều kẽm như: thịt gà, trai, hến, tôm, cua, các loại hạt, các loại rau củ như nấm, rau chân vịt…

Tuy nhiên, nếu bổ sung kẽm dạng thuốc, cần có sự tư vấn của bác sĩ, không nên tự ý dùng.

Theo BS. Đặng Xuân Thắng - Trường Y Dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng:
  • Chỉ sử dụng thuốc khi được tư vấn từ bác sĩ.
  • Đối với các trường hợp tiêu chảy kèm sốt, đau bụng quặn từng cơn, mót rặn, đi ngoài phân lỏng lẫn nhày máu, nôn mửa nhiều hoặc tiêu chảy dữ dội và liên tục nhiều lần/ngày, phân toàn nước như nước vo gạo cần nhập viện ngay để điều trị kháng sinh.
  • Ăn chín - uống nước đã đun sôi.
  • Có thể uống nước trái cây bổ sung thêm vitamin C và điện giải.
  • Ăn nhiều rau xanh…
  • Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Vệ sinh môi trường sống xung quanh.
Ngọc Mai (t/h)
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang