Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 về rễ cây tục đoạn sấy khô làm dược liệu

author 05:52 09/12/2024

(VietQ.vn) - Khi sử dụng rễ cây tục đoạn làm dược liệu sấy khô đạt chất lượng, an toàn khi sử dụng nên tuân theo các yêu cầu của Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 hướng dẫn.

Tục đoạn còn được gọi là sơn cân thái, đầu vù, rễ thái, oa thái,... Tên khoa học của cây tục đoạn là Dipsacus japonicus Miq, thuộc họ tục đoạn (Dipsacaceae). Tục đoạn là cây thân thảo, cao khoảng 1,5 - 2m, thân có 6 cạnh, trên cạnh có 1 hàng gai thưa. Lá cây mọc đối, không cuống, lá có răng cưa dài, phiến lá nhỏ, đầu nhọn. Cụm hoa có hình trứng hoặc cầu, cành hoa dài 10 - 20cm, có lông cứng, hoa màu trắng. Quả tục đoạn có 4 cạnh, màu xám trắng, dài 5 - 6mm.

Tục đoạn mọc hoang nhiều ở các tỉnh vùng núi cao mát mẻ, có bóng cây râm mát như Sơn La, Hà Giang, Lào Cai,... Tục đoạn có thành phần gồm tinh dầu, saponin, tannin.

Rễ cây tục đoạn sấy khô có công dụng bổ can thận, liền cân cốt, thông huyết mạch, điều kinh, an thai, thông sữa. Chủ trị đau lưng gối, đau mỏi nhức xương khớp, rạn xương, bong gân, tê thấp, rong kinh, băng huyết, động thai ra huyết, tắc tia sữa. Tục đoạn sống dùng để lợi sữa, an thai, trị mụn nhọt. Tửu tục đoạn dùng điều trị chứng đau nhức xương khớp, bong gân. Điểm tục đoạn để điều trị các bệnh ở thận.

Củ khô sắc uống có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, trị mụn nhọt, nhức gân xương, sai khớp, bong gân hoặc phụ nữ hay bị sảy thai, di tinh, bạch đới. Loại dược liệu này thường được dùng làm thuốc bổ toàn thân, xoa dịu cơn đau do bị ngã, chấn thương và an thai, lợi sữa, cầm máu. Liều dùng là 9 - 18g/ngày, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu.

Theo Đông y, cây tục đoạn có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy vậy, trước khi dùng bất kỳ bài thuốc nào, bệnh nhân đều cần tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để dùng đúng thuốc, bệnh và liệu trình điều trị. Tục đoạn không dùng cho người có chứng thực nhiệt. Lưu ý, khi dùng và chế biến rễ cây tục đoạn sấy khô làm dược liệu cũng nên tuân theo tiêu chuẩn quy định. 

Rễ cây tục đoạn sấy khô sắc uống rất tốt cho sức khỏe xương khớp, thận. Ảnh minh họa

Căn cứ theo Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu yêu cầu đối với rễ cây tục đoạn do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, yêu cầu rễ (rễ củ) đã phơi hay sấy khô của cây tục đoạn là dược liệu nên thu hoạch vào mùa Thu, từ cây mọc hoang hoặc cây trồng từ 1 - 2 năm tuổi. Đào lấy rễ già, bỏ gốc thân và rễ con, rửa sạch, sấy đến khô một nửa, đến khi thấy lớp vỏ trong màu xanh lục thì cạo bỏ lớp vỏ ngoài, đem phơi hoặc sấy khô.

Rễ hình trụ, đầu trên to đầu dưới nhỏ dần,cong queo hay xoắn vặn, dài 5 - 15cm, đường kính 0,5 - 2cm. Vỏ ngoài màu nâu nhạt đến nâu xám, có nhiều nếp nhăn và rãnh dọc, nhiều lỗ bì nằm ngang và những đoạn rễ con. Dược liệu khô và xốp sau thời gian dài bảo quản, dễ bẻ gãy, vết bẻ lởm chởm, màu nâu xám, phần gỗ màu vàng nâu, các bó mạch xếp hướng tâm. Mùi thơm nhẹ, vị đắng hơi ngọt và se. Loại rễ khô mềm dẻo, bẻ không gãy, ít xơ, ngoài có màu xám đen, trong có màu trắng xanh (không được có màu đen), loại dài to, vị đắng, không mốc mọt, không vụn nát là loại tốt.

Lớp bần cấu tạo bởi nhiều hàng tế bào. Lục bì hẹp. Các ống rây nằm rải rác trong libe. Tầng phát sinh libe - gỗ rõ hoặc gần rõ. Tia gỗ rộng, các mạch gỗ táp trung gần tầng phát sinh libe - gỗ và ít dần vào phía trong, thường rải rác hoặc từ tụ thành đám từ 2 đến 4. Ruột nhỏ và thường không có trong các rễ con. Các tế bào mô mềm chứa các đám tinh thể canxi oxalat.

Bột màu nâu vàng. Quan sát dưới kính hiển vi thấy nhiều đám tinh thể canxi oxalat, đường kính từ 15 đến 50 μm, nằm rải rác ở ngoài hoặc trong các tế bào mô mềm bị co lại. Mảnh mô mềm tế bào thành hơi dày chứa tinh thể calci oxalat. Các mảnh mạch điểm, mạch mạng đường kính lên tới 72 (90) μm. Mảnh bần tế bào màu nâu nhạt, hình gần chữ nhật hoặc hình đa giác, thành mỏng.

Để tiến hành thử nghiệm dược liệu nên dùng phương pháp sắc ký lỏng ở độ ẩm không quá 10,0%; tạp chất dược liệu còn sót gốc thân không quá 5,0%; tro toàn phần không quá 12,0 %; tro không tan trong acid không quá 3,0%; chất chiết được trong dược liệu không ít hơn 45,0% tính theo dược liệu khô kiệt.

Khi chế biến tục đoạn thái lát nên lấy tục đoạn khô (nguyên rễ) rửa sạch, ủ mềm (khoảng 2h), thái lát dày 2 - 4mm (đầu to thái lát ngang, đầu nhỏ thái lát dọc), phơi hoặc sấy khô, dùng sống. Các lát cắt ngang có hình tròn hoặc hình bầu dục, dày 0,2 - 0,4cm. Vỏ ngoài màu nâu xám, vỏ trong màu xanh lục đậm, phần thịt rễ màu nâu hay nâu xám, phần xơ gỗ có màu vàng nâu, các bó mạch xếp hướng tâm. Tầng phát sinh hình vỏng tròn màu nâu sẫm. Các lát dược liệu khô dễ gãy. Mùi nhẹ, vị đắng hơi ngọt và se.

Bảo quản dược liệu chưa chế biến để nơi khô mát, tránh mốc mọt. Dược liệu đã chế biến trong đồ đựng kín, nên dùng trong vòng 30 ngày sau khi chế. Dược liệu khi đã sấy khô có vị đắng cay, tính hơi ôn. 

ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN SỬA ĐỔI 1:2024 TCVN I-4:2017 VỀ RỄ CÂY TỤC ĐOẠN

VUI LÒNG LIÊN HỆ: 

Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268

Email: ismq@tcvn.gov.vn

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang