Tìm giải pháp giúp miền Trung - Tây Nguyên giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra

author 07:38 24/02/2022

(VietQ.vn) - Miền Trung và Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta nhưng với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội. Tìm giải pháp miền Trung - Tây Nguyên giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra vấn đề đang được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đặc biệt quan tâm.

Chiều 23/2/2022, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị về giải pháp phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên theo hình thức trực tuyến với trên 250 điểm cầu với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các huyện, xã.

Khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai

Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai/ Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, miền Trung - Tây Nguyên là khu vực có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội, song cũng là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, lốc tố, dông sét, rét hại, rét đậm..., gây thiệt hại lớn cho khu vực.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài: các địa phương cần tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Ảnh: Tổng Cục PCTT

Trong những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, thiên tai trong khu vực này ngày càng cực đoan, bất thường. Theo thống kê, trong 40 năm gần đây, trong tổng số 374 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 148 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 94 cơn đổ bộ vào khu vực miền Trung (chiếm trên 64%) tập trung trong các tháng 9-11.

Lũ, ngập lụt thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn nhất cho khu vực miền Trung và xảy ra với mức độ ngày càng khốc liệt. Trong năm 2021, từ đầu tháng 9 đến đầu tháng, khu vực miền Trung và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng liên tiếp 6 đợt mưa lớn trên diện rộng, gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi. Bão, mưa lũ trong khu vực đã làm 39 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất khoảng 4.500 tỷ đồng.

Sạt lở đất, lũ quét là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía Tây các tỉnh miền Trung. Ngay trong năm 2020, sạt lở đất ngày 12/10 đã vùi lấp nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 17 công nhân bị mất tích; sạt lở đất đêm 12/10 tại trạm Kiểm lâm số 67, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 13 cán bộ, chiến sỹ hy sinh; sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vào ngày 18/10 làm 22 chiến sỹ hy sinh; sạt lở đất tại các huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sau bão số 9 (ngày 28/10) làm 47 người chết, mất tích.

Bên cạnh đó, Duyên hải Nam Trung Bộ là khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, gây thiệt hại lớn về sản xuất; trong đó khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận với lượng mưa trung bình 800-900mm/năm thấp nhất cả nước thường xuyên xảy ra hạn hán. 

Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sau các trận bão, mưa lũ, gây thiệt hại lớn về nhà, đất sản xuất, cơ sở hạ tầng trong khu vực. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra với quy mô, tốc độ ngày càng gia tăng, trung bình 5-10m/năm, cá biệt có những nơi tới 25m/năm.

Trong khi đó, Tây Nguyên là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: Mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét, hạn hán, bão. Trong đó hạn hán, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất là các loại hình thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại lớn cho khu vực.

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai khu vực này, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo tiếp tục nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo, nhất là dự báo mưa lớn cục bộ, lũ, lũ quét, sạt lở đất; hoàn thành Chương trình phân vùng rủi ro thiên tai, xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn, chi tiết đến cấp xã, triển khai thực hiện hiệu quả quỹ phòng, chống thiên tai, kịch bản phòng, chống thiên tai, khắc phục hậu quả thiên tai, đề xuất, kiến nghị trang thiết bị phòng, chống thiên tai...

Các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm chỉ đạo các công tác về hệ thống quan trắc, giám sát chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, hồ chứa, đê điều và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến thoát lũ, nhà ở an toàn trước thiên tai, nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó của cộng đồng, nâng cao năng lực tham mưu phòng, chống thiên tai...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, thời gian tới, các địa phương cần tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo; cũng như nâng cao chất lượng, khả năng phòng chống thiên tai, bảo vệ hệ thống hồ chứa, đê điều, công trình hạ tầng gây cản lũ; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.

Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai; xây dựng giải pháp thoát lũ và bảo đảm an toàn các đô thị, khu dân cư, sản xuất thích ứng thiên tai, với chủ trương “chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai”; tăng cường giải pháp tổng hợp phòng chống sạt lở đất, lũ quét cũng như ứng phó với bão mạnh, nước biển dâng.

Ban chỉ đạo về phòng, chống thiên tai cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó có khu vực miền Trung và Tây Nguyên; với một số nội dung chủ yếu như: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; hoàn thành triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung và Tây Nguyên…

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang