Tìm ra 'thần dược' có thể chống ung thư và nhiều biến chủng Covid-19

author 16:15 10/10/2022

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học Mỹ vừa phát hiện ra một chất ức chế phân tử có khả năng chống được ung thư và nhiều biến chủng Covid-19.

Được biết, trong quá trình phát triển một thuốc chống ung thư thế hệ mới, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện chất ức chế phân tử nhỏ RK-33 đồng thời có khả năng ngăn chặn được 4 biến chủng Covid-19 bao gồm Omicron.

RK-33 được thiết kế dựa trên một protein tên là DDX3 - RNA helicase với chức năng tháo xoắn loại RNA - có chức năng kiểm soát nhiều loại tế bào khối u, từ đó cho phép dịch mã RNA. RK-33 sẽ ức chế DDX3, ngăn cản việc dịch mã RNA, từ đó ngăn khối u phát triển và di căn.

RK-33 vốn được các nhà nghiên cứu từ Trường Y khoa thuộc Đại học John Hopkins (Mỹ) theo đuổi nhiều năm nay nhằm tạo nên một thuốc chống lại sự phát triển và di căn của bệnh ung thư.

Theo các nhà khoa học Mỹ, khả năng kháng virus của RK-33 không bị ảnh hưởng bởi các đột biến trên protein đột biến, do đó tác dụng vẫn nhất quán trên 4 biến chủng SARS-CoV-2.

Mỹ phát hiện ra chất ức chế có thể chống lại ung thư và biến chủng Covid-19. Ảnh minh họa 

Sở dĩ khả năng vượt qua các đột biến SARS-CoV-2 phức tạp của RK-33 là nhờ nó không được thiết kế để nhắm vào protein đột biến, mà được thiết kế nhắm vào quá trình dịch mã RNA, hoàn toàn độc lập với protein đột biến. Do đó, nó được dự đoán sẽ hiệu quả với các biến chủng khác nhau cho dù virus gây bệnh Covid-19 đột biến như thế nào.

DDX3 trước đó cũng được chứng minh là thứ giúp một số virus RNA tăng khả năng lây nhiễm vào tế bào, bao gồm HIV và virus hợp bào hô hấp RSV. Do đó, các nhà khoa học đã thử kiểm tra nó có thể được sử dụng như một chất kháng virus RNA phổ rộng hay không.

Tổ chức Y tế thế giới  WHO cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động xấu hơn đối với việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư. Khảo sát của WHO tiến hành trên nhiều nước cho thấy 77,5% bệnh nhân ung thư bị gián đoạn hoặc chậm trễ điều trị trong thời gian dịch bệnh. Việc gián đoạn này trải dài từ giai đoạn chẩn đoán, điều trị đến tái khám và ảnh hưởng đến tất cả các phương pháp điều trị như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ...

Tổ chức WHO cũng nêu ra những con số cụ thể về bệnh ung thư tại Việt Nam. Theo đó, năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), trong đó tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.

Sang năm 2021 số liệu thống kê cho thấy số lượt bệnh nhân ung thư vào điều trị tại Trung tâm Ung bướu tăng qua từng năm, mức tăng từ 30-45%. Từ giữa năm 2021, sau khi đại dịch Covid-19 vừa tạm lắng xuống, số lượng bệnh nhân nhập viện đã tăng trở lại. Các loại ung thư thường gặp nhất vẫn là ung thư phổi, gan, đại trực tràng, vú, thực quản, dạ dày, các ung thư đầu - cổ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang