Tình hình Biển Đông hôm nay: Trung Quốc phát hành bản đồ "nuốt chửng" Biển Đông

author 17:09 25/06/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông hôm nay trở thành tâm điểm của dư luận trong và ngoài nước với tin tức Trung Quốc ngang ngược phát hành bản đồ nuốt chửng Biển Đông và sự ủng hộ báo chí Pháp dành cho Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Trung Quốc ngang ngược phát hành bản đồ làm tình hình Biển Đông nóng lên

Theo VOV, Bắc Kinh vừa công bố một tấm bản đồ chính thức mới của nước này – đây được cho là một bước đi nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc với gần trọn diện tích Biển Đông. Theo đó, tấm bản đồ này đã thể hiện những vùng biển tranh chấp, các đảo nhỏ hay rạn san hô mà nhiều bên cùng tuyên bố chủ quyền như là một phần lãnh thổ “rõ ràng” của nước này.

Tình hình Biển Đông hôm nay 25/6: Trung Quốc phát hành bản đồ nuốt chửng Biển Đông

Trung Quốc ngang nhiên "nhận vơ" chủ quyền với gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông bằng cách phát hành "bản đồ mới của Trung Quốc"

Trong tấm bản đồ này, Trung Quốc ngang nhiên đưa gần như toàn bộ các vùng biển đảo ở Biển Đông vào trong phạm vi cái gọi là “chủ quyền” mà Bắc Kinh yêu sách, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Trung Quốc: “Bản đồ dọc mới xuất bản có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết của công dân về việc duy trì quyền và lợi ích hàng hải cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng, các nước không nên đưa ra những suy đoán xung quanh việc Bắc Kinh phát hành bản đồ mới.

Báo chí Pháp lên án Trung Quốc khiêu khích, gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông

Báo Vietnamplus đưa tin, báo chí và truyền thông Pháp đồng loạt lên án Trung Quốc khiêu khích, đe dọa, áp đặt chủ quyền vô lý ở Biển Đông. Theo báo Le Monde, cùng với việc mạo danh “quyền lịch sử,” cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này đang làm đảo lộn hiện trạng về biên giới trên biển, khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực ngày càng nghi ngờ về cái gọi là “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc.

Tác giả bài viết cũng cho biết việc Việt Nam cho phép giới báo chí nước ngoài tham gia cùng các lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển nước nhằm chứng minh với cộng đồng quốc tế chiến dịch phản đối hàng ngày của Việt Nam là ôn hòa và hành động của các tàu Trung Quốc là rất hung hăng và mang tính đe dọa.

 

 

Dư luận quốc tế liên tục lên án việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng với kiểu chiến lược “sự đã rồi” Trung Quốc đang đặt các nước láng giềng trong tình trạng báo động. Trung Quốc thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả để có những điều chỉnh lối ứng xử của mình. Cũng giống như nhận định của Le Monde, ngoài việc thử phản ứng của các nước liên quan, báo Les Echos cho rằng mục đích khiêu khích của Bắc Kinh còn để thăm dò phản ứng của Mỹ và chiến lược "xoay trục" của nước này.

Cuối cùng, tờ báo cho rằng chọn “trọng tài” để giải quyết các tranh chấp là hướng nên làm vì “trọng tài áp đặt quy định về quyền, xuất phát từ một định chế được cho là độc lập”. Theo hướng này, Philippines sẽ không là quốc gia duy nhất phản đối công khai chiến lược độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh và Việt Nam cũng đang chuẩn bị các thủ tục để kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Tình hình ở căng thẳng biển Đông không làm giảm ODA từ EU

Năm 2014, liên minh châu Âu (EU) cam kết dành 542 triệu euro (hơn 735 triệu USD) vốn hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, tăng 86 triệu euro so với năm ngoái. Thông tin nêu trên vừa được Vnexpress trích từ công bố của EU hôm nay (25/6) trong Sách Xanh 2014.

Theo đó, ông Franz Jessen - Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định bất chấp khủng khoảng kinh tế toàn cầu, EU vẫn giữ nguyên mức viện trợ cho Việt Nam, thể hiện cam kết mạnh mẽ với việc ủng hộ phát triển, các tham vọng thương mại và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có ký kết hiệp định FTA vào cuối năm 2014.

 

Tình hình Biển Đông hôm nay 25/6: Trung Quốc phát hành bản đồ nuốt chửng Biển Đông

Căng thẳng Biển Đông không ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Bình luận về căng thẳng của Việt Nam với Trung Quốc tại biển Đông, ông Jessen cho hay sự kiện sẽ không ảnh hưởng đến việc cung cấp các khoản hỗ trợ của EU dành cho Việt Nam, bởi những chính sách của Liên minh thường là lâu dài.

Việc giảm dần các khoản viện trợ không hoàn lại là do Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình vào năm 2010, ảnh hưởng lớn tới cách tiếp cận của một số nhà tài trợ EU trong việc hỗ trợ phát triển song phương, báo cáo cho biết.

Minh Thùy (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang