Trung Quốc sẽ để giàn khoan Hải Dương 981 hoạt động ở Biển Đông 2 tháng nữa

author 17:20 21/01/2016

(VietQ.vn) - Trang cảnh báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA) ngày 20/1 cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động gần 2 tháng tại Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hôm nay trên báo Dân Trí, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Việt Nam và các nước, trang cảnh báo của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA) ngày 20/1 cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiếp tục hoạt động gần 2 tháng nữa tại Biển Đông. Theo MSA, từ ngày 20/1 - 10/3, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại giếng Lăng Thuỷ 25-2-1, có vị trí toạ độ 17°06′18″N/110°02′25″E. Bán kính hoạt động quanh toạ độ trên 2.000 mét.

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ một lần nữa khiến tình hình Biển Đông ‘dậy sóng’

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ một lần nữa khiến tình hình Biển Đông ‘dậy sóng’. Ảnh AFP

Trước đó, ngày 19/1/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ phản ứng của Việt Nam về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại khu vực chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Theo ông Lê Hải Bình, các cơ quan chức năng Việt Nam cho biết, tối ngày 16/1/2016, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển đến vị trí cách đường trung tuyến giả định (giữa hai đường cơ sở Việt Nam - Trung Quốc) khoảng 21,4 hải lý về phía Đông.

"Ngày 18/1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nêu rõ quan ngại của Việt Nam về việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 đến vị trí nêu trên. Đây là khu vực chồng lấn giữa thềm lục địa miền Trung Việt Nam và thềm lục địa đảo Hải Nam Trung Quốc, là khu vực chưa được hai bên phân định", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.

Ông Bình nêu rõ: "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tiến hành hoạt động khoan và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi khu vực này; đồng thời Việt Nam bảo lưu mọi quyền và lợi ích pháp lý của mình đối với khu vực này phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và thực tiễn quốc tế liên quan”.

Hải Dương 981 là giàn khoan nửa chìm nửa nổi do Trung Quốc sản xuất. Trước đó, từ tháng 5 - 8/2014, Trung Quốc đã trái phép đưa giàn khoan Hải dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Trước đó vào ngày 28/12/2015, trang web của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc (MSA) cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 ngày 28/12 đã bắt đầu hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực mới ở Biển Đông.

Những động thái gây hấn của Trung Quốc đã đẩy tình hình Biển Đông vào trạng thái căng thẳng như hiện nay

Những động thái gây hấn của Trung Quốc đã đẩy tình hình Biển Đông vào trạng thái căng thẳng như hiện nay. Ảnh minh họa

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Thanh Niên, Trung Quốc đang tăng tốc mở rộng đội tàu tiếp tế để tăng cường hiện diện ở Biển Đông và kéo dài thời gian hoạt động trên biển của chiến hạm. Cụ thể, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc với địa bàn hoạt động ở Biển Đông vừa nhận thêm 3 tàu quân sự, trong đó có tàu tiếp tế Lô Cô Hồ 962.

Trang tin Guancha dẫn lời một số sĩ quan thuộc hạm đội nói trên ngang nhiên tuyên bố tàu mới sẽ dùng để chở hàng tiếp tế và binh sĩ đến trú đóng luân phiên ở các địa điểm bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Được biết Lô Cô Hồ 962 là chiếc thứ 2 thuộc lớp tàu tiếp tế vận tải tổng hợp Type 094B được biên chế cho Hạm đội Nam Hải trong vòng 6 tháng qua. Chiếc thứ nhất mang tên Quân Sơn Hồ được đưa vào hoạt động giữa năm ngoái.

Tàu Type 094B dài trên 171m, rộng gần 25m, độ choán nước khoảng 15.000 tấn và vận tốc tối đa 25,3km/giờ, có thể chở 240 thủy thủ. Tàu còn có bãi đáp trực thăng và được trang bị 2 khẩu pháo 30mm. Trong hải quân Trung Quốc, chỉ có Hạm đội Nam Hải vận hành tàu Type 094B và những phiên bản trước đó (gồm 094 và 094A) với tổng cộng 5 chiếc.

Tàu tiếp tế Lô Cô Hồ thuộc Hạm đội Nam Hải sẽ được Trung Quốc đưa tới hoạt động ở Biển Đông

Tàu tiếp tế Lô Cô Hồ thuộc Hạm đội Nam Hải sẽ được Trung Quốc đưa tới hoạt động ở Biển Đông. Ảnh Guancha

Đáng lo ngại, không chỉ hải quân mà lục quân Trung Quốc cũng đang dốc sức vào việc triển khai tàu tiếp tế tới những khu vực chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Trước đó vào tháng 11/2015, cũng theo Guancha, lực lượng này đưa vào biên chế tàu vận tải tiếp tế tổng hợp GY820 với nhiệm vụ cung cấp vật tư, thiết bị cho binh sĩ đóng trú tại cái gọi là “Thành phố Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương dựng lên năm 2012 để tự cho mình quyền quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Theo trang Guancha, GY820 là tàu vận tải tiếp tế lớn nhất của lục quân Trung Quốc từ trước tới nay, với chiều dài 90m, rộng 14,6m và độ choán nước 2.700 tấn. Tàu còn có bãi đáp có thể phục vụ trực thăng Z-9.

Theo chuyên trang Strategy Page (Mỹ), tàu được thiết kế cho xe có thể chạy lên xuống dễ dàng ở các bến tàu do Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Từ đó, giới chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh có thể đang đóng thêm nhiều tàu loại này để thay thế tàu thương mại đang sử dụng vận chuyển hàng tiếp tế ở Biển Đông, và thậm chí có thể tham gia các chiến dịch đổ bộ.

Thanh Huyền (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang