Trung Quốc ‘làm khó’ nhiều nước khi vận động hành lang vụ kiện Biển Đông

author 19:12 29/04/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao toàn cầu nhằm vận động cho vụ kiện Biển Đông với Philippines.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên Zing News, Bắc Kinh hôm qua tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác và tiến hành tập trận đa quốc gia với các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời kêu gọi các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Theo SCMP, động thái của Bắc Kinh đặt nhiều nước vào tình thế khó xử, giữa một bên là Mỹ và bên kia là Trung Quốc.

Phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện Biển Đông sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông hiện nay

Phán quyết của tòa án quốc tế về vụ kiện Biển Đông sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông hiện nay. Ảnh minh họa

Phát biểu trước bộ trưởng các nước châu Á và Trung Đông tại Hội nghị về Tương tác và Biện pháp Xây dựng Lòng tin ở châu Á (CICA) ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nên được giải quyết thông qua đàm phán giữa những nước liên quan. “Chúng tôi nhấn mạnh tranh chấp cần được giải quyết hòa bình thông qua hội các cuộc đàm hữu nghị và đàm phán với những bên có liên quan trực tiếp”, ông Tập nói.

Bắc Kinh cũng tuyên bố, họ đã đạt được thỏa thuận với Belarus và Pakistan – hai quốc gia đứng ngoài tranh chấp Biển Đông. Trung Quốc nói, Belarus và Pakistan "tôn trọng lập trường của Bắc Kinh" về vấn đề này sau cuộc họp riêng với hai ngoại trưởng bên lề CICA. Trong khi đó, Cục Hải dương Trung Quốc cho hay, nước này đã thực hiện kế hoạch hợp tác về Biển Đông trong 5 năm với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), theo Tân Hoa xã.

Bắc Kinh cũng muốn tiếp cận các quốc gia châu Âu và châu Phi nhằm củng cố cơ sở ngoại giao trước phán quyết của PCA trong vụ kiện của Philippines về yêu sách lãnh thổ mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông. Được biết thời gian qua Bắc Kinh luôn lớn tiếng bác bỏ thẩm quyền xét xử của tòa quốc tế liên quan tới vụ kiện Biển Đông.

Đáng chú ý, Trung Quốc hồi tuần trước tuyên bố đạt thỏa thuận riêng về Biển Đông với 3 nước thành viên ASEAN là Brunei, Campuchia và Lào, đồng thời nói rằng các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa khối và Bắc Kinh. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Campuchia bác bỏ thông tin về thỏa thuận mới với Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, hơn 10 quốc gia đang đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Họ cũng nói tuyên bố được Trung Quốc, Nga và Ấn Độ thông qua đã nêu rõ các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp thương lượng.

Trung Quốc đang đẩy mạnh vận động hành lang trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông

Trung Quốc đang đẩy mạnh vận động hành lang trước khi tòa án quốc tế ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông. Ảnh Reuters

Mặc dù vậy, theo nguồn tin từ báo Dân Trí, các động thái ngoại giao của Trung Quốc đã làm dấy lên quan ngại rằng việc Bắc Kinh một mặt đem vấn đề tranh chấp ra vũ đài quốc tế để tìm kiếm sự ủng hộ nhưng mặt khác lại khăng khăng lập trường chỉ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp song phương có thể sẽ phản tác dụng.

“Các nước trong khu vực muốn hợp tác với Trung Quốc và duy trì quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, họ không muốn bị ép buộc hay hăm dọa về các chính sách an ninh và kinh tế. Các bên tranh chấp cũng muốn theo đuổi các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp”, Paul Haenle, Giám đốc Trung tâm Carnegie - Tsinghua nhận định.

Tuy nhiên, Zhu Feng, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh Trung Quốc lại cho rằng, Bắc Kinh không còn “lựa chọn” nào khác vì Mỹ cũng đang có những động thái tương tự. Cựu Chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Delhi, Manoranjan Mohanty, nhận xét rằng các nước đang phải chịu áp lực từ cả Trung Quốc và Mỹ vì Washington cũng đang tìm cách gây áp lực với các nước thành viên ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Chiến dịch vận động hành lang của Trung Quốc được tăng cường sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đẩy mạnh hợp tác và xúc tiến các cuộc tập trận quân sự đa phương với các nước Đông Nam Á. Hơn nữa Bắc Kinh cũng kêu gọi các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, khiến nhiều nước rơi vào tình thế khó xử khi không biết phải đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ tổn hại danh tiếng nghiêm trọng nếu phớt lờ phán quyết của tòa quốc tế trong vụ kiện của Philippines liên quan đến vấn đề Biển Đông. Cụ thể tại buổi điều trần ở Hạ viện Mỹ ngày 28.4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Antony Blinken đã cảnh báo Trung Quốc về tương lai sau khi tòa quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, báo Thanh Niên đưa tin theo Reuters ngày 29/4.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken lên tiếng cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu tổn hại nếu phớt lờ phán quyết vụ kiện Biển Đông

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken lên tiếng cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu tổn hại nếu phớt lờ phán quyết vụ kiện Biển Đông. Ảnh Reuters

Ông Blinken nói rằng Trung Quốc không thể ngang nhiên có cả hai, vừa chọn tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nhưng lại khước từ những quy định của công ước này, bao gồm quy định với nội dung về “tính ràng buộc của bất cứ phán quyết nào từ tòa trọng tài”.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Trung Quốc có một lựa chọn. Nếu chọn phớt lờ phán quyết của tòa, lựa chọn này sẽ khiến Trung Quốc chịu tổn hại "khủng khiếp" đối với danh tiếng của họ, đồng thời bị các nước trong khu vực xa lánh hơn nữa và khiến các quốc gia đó tiến gần Mỹ hơn".

Ông Blinken cho biết Mỹ đã rất tích cực trong việc hỗ trợ thúc đẩy sự gắn kết của ASEAN, để ASEAN lớn mạnh hơn trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn như Biển Đông. Ông cũng nói rằng Washington đã nỗ lực vận động để thuyết phục các nước tin tưởng vào phán quyết sắp tới của tòa quốc tế, rằng phán quyết đó có tính ràng buộc.

>> Lần đầu tiên Hải quân Việt Nam đưa tàu chiến tham gia diễn tập quốc tế

Tuyết Trinh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang