Trung Quốc trắng trợn phát tờ rơi 'nhận vơ' chủ quyền Biển Đông tại Shangri-La

author 19:58 04/06/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông mới nhất cho hay, tờ rơi cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật cho rằng ‘toàn bộ biển Đông là của Trung Quốc’.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo Tuổi Trẻ, Trung Quốc mới đây đã dùng đến ‘chiêu mới’ là phát tờ rơi xuyên tạc về Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La. Theo đó, tờ rơi của phái đoàn Trung Quốc gồm hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Hoa, cung cấp thông tin xuyên tạc sự thật cho rằng ‘toàn bộ Biển Đông là của Bắc Kinh’.

Tờ rơi có nội dung xuyên tạc về tình hình Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La năm nay

Tờ rơi có nội dung xuyên tạc về tình hình Biển Đông mà Trung Quốc chủ ý phát cho các đại biểu quốc tế tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Ảnh Tuổi Trẻ

Cụ thể, vào chiều 3/6, ngay sau cuộc tiếp xúc song phương với đoàn quốc phòng Việt Nam, đoàn Trung Quốc đã phát tờ rơi có nội dung xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông cho các đại biểu quốc tế tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore. Tờ rơi được phát có nội dung tuyên truyền những luận điệu sai trái của nước này về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông.

Nội dung tờ rơi này cho rằng các đảo của Trung Quốc bao gồm quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), quần đảo Trung Sa, và quần đảo Nam Sa (là Trường Sa của Việt Nam). Bốn quần đảo này đều hợp thành lãnh thổ của Trung Quốc.

Về quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc trắng trợn viết: “Một số nước xung quanh Biển Đông đã đưa quân xâm chiếm các đảo, dẫn đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Trường Sa hiện nay và Trung Quốc là quốc gia phát hiện sớm nhất, đặt tên, và khai thác quần đảo Trường Sa”.

Trong tờ rơi, Trung Quốc còn ngang nhiên cho rằng yêu cầu lãnh thổ của các nước khác đối với quần đảo Trường Sa không phù hợp với luật pháp quốc tế: “Theo luật pháp quốc tế, tranh chấp chủ quyền có những đặc tính mang tính loại trừ. Chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa từ xa xưa đã được thiết lập, bất kỳ nước nào khác cũng không thể yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, nếu không sẽ đi ngược lại nghĩa vụ của mình đối với việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác”.

Trung Quốc đã không ít lần có động thái ‘nhận vơ’ chủ quyền Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế

Trung Quốc đã không ít lần có động thái ‘nhận vơ’ chủ quyền Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Ảnh minh họa

Ngoài ra, theo nội dung tờ rơi, Trung Quốc cho rằng vấn đề Biển Đông vô cùng phức tạp và nhạy cảm, con đường tốt nhất để giải quyết vấn đề này là đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan, các nước bên ngoài khu vực (ám chỉ Mỹ, Nhật Bản…) không nên can thiệp vào. Bắc Kinh còn cho rằng ASEAN là một tổ chức khu vực, không thể tham gia phán quyết với tư cách là một đương sự trong vấn đề Biển Đông.

Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình Biển Đông hiện nay, Tướng Petr Pavel, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO, hôm 3/6 nhấn mạnh sẽ theo dõi cẩn trọng các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời sẽ ủng hộ bất kỳ giải pháp nào dựa trên đàm phán chính trị và ngoại giao, báo Người Lao Động tổng hợp từ nguồn Straits Times và Tân Hoa Xã.

Theo đó, phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Tướng Petr Pavel cho hay NATO sẽ không can thiệp quân sự vào các tranh chấp ở Biển Đông vì không có “cơ sở pháp lý” để làm thế. “Chúng tôi cố gắng hoạt động bên trong khu vực mình và không can thiệp vào những vấn đề của khu vực khác” – ông Pavel nói.

Tuy nhiên, ông cho biết liên minh quân sự này (gồm 28 nước chủ yếu là châu Âu và Bắc Mỹ) sẵn lòng ủng hộ các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển khả năng quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và những vấn đề về an ninh hành hải. Đáng chú ý, tướng Pavel nói NATO quan tâm đến việc “xem xét các cơ hội” giữa NATO và ASEAN.

Theo ông Pavel, NATO sẽ có bước đi cẩn trọng với tuyên bố và động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, “vì không rõ về ý đồ của Trung Quốc”. Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO cũng thúc giục các bên liên quan tuân thủ các luật lệ và quy tắc quốc tế trong tranh chấp ở Biển Đông. Nhất là khi Toà Trọng tài Thường trực tại The Hague - Hà Lan dự kiến sớm có phán quyết về vụ kiện của Philippines nhằm vào "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tướng Petr Pavel - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO tuyên bố liên minh quân sự này sẽ theo sát tình hình Biển Đông

Tướng Petr Pavel - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO tuyên bố liên minh quân sự này sẽ theo sát tình hình Biển Đông. Ảnh Reuters

Thời gian qua, Bắc Kinh nhiều lần công kích toà án này “lạm quyền” và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của tòa dù theo giới quan sát quốc tế, Trung Quốc vẫn đang ngấm ngầm ‘vận động hành lang’ xoay quanh vụ kiện Biển Đông.

Đáng chú ý, cùng ngày 3/6, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc có cuộc gặp bên lề với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen. Ông Tôn bày tỏ mong muốn nước chủ nhà Singapore sẽ "định hướng hợp lý" tiến trình Đối thoại Shangri-La đang diễn ra để nó giúp ích cho vấn đề giải quyết xung đột, có lợi cho hòa bình và ổn định tại khu vực.

Trong khi đó, ông Ng Eng Hen khẳng định nước này có lập trường khách quan trong hợp tác quốc tế và khu vực, không có mục đích làm hại bất kỳ bên nào. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cũng hy vọng các bên liên quan có thể trao đổi quan điểm và tăng cường hiểu biết nhiều vấn đề, trong đó có tình hình Biển Đông, tại Đối thoại Shangri-La năm nay.

Oxy, Myno, Tâm Tít, Trang Moon: Ai là nữ DJ sexy, quyến rũ nhất Việt Nam?(VietQ.vn) - Ngoài khả năng cảm thụ âm nhạc, những nữ DJ sexy này còn có ngoại hình vô cùng quyến rũ khiến họ trở thành tâm điểm của sàn nhảy.

Nguyễn Yên (T/h)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang