Trung Quốc hoàn tất lắp đặt thiết bị vệ tinh cho 3.000 tàu cá ở Biển Đông

author 17:33 11/01/2016

(VietQ.vn) - Tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vừa hoàn thành lắp đặt thiết bị thu tín hiệu vệ tinh cho gần 3.000 tàu cá của nước này hoạt động ở Biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Theo những tin tức mới nhất về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo VnExpress, Xinhua ngày 8/1 dẫn thông tin từ Ban Tuyên truyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho biết, tính đến cuối tháng 12, chính quyền tỉnh này đã hoàn thành nghiệm thu giai đoạn một dự án lắp đặt thiết bị thu tín hiệu phát thanh truyền hình từ vệ tinh cho 2.617 tàu cá Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông.

Đã không ít lần giới quan sát quốc tế lo ngại lực lượng tàu cá Trung Quốc có thể khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng

Đã không ít lần giới quan sát quốc tế lo ngại lực lượng tàu cá Trung Quốc có thể khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Ảnh Tân Hoa xã

Tính từ đầu năm 2016, ngư dân Trung Quốc trên tàu lắp thiết bị thu tín hiệu có thể xem 58 kênh truyền hình vệ tinh và 45 kênh phát thanh khi đánh bắt cá ở Biển Đông. Các thiết bị còn cung cấp thông tin thời tiết biển, khu vực có nguy hiểm và những chính sách mới của Trung Quốc.

Được biết, tỉnh Hải Nam bắt đầu dự án này từ cuối năm 2014. Việc lắp đặt hoàn toàn miễn phí với điều kiện tàu cá phải có đủ khả năng đánh bắt xa bờ. Tỉnh Hải Nam dự kiến tiếp tục lắp đặt cho nhiều tàu cá khác trong giai đoạn hai.

Giới chuyên gia nhận định động thái trên là một phần trong kế hoạch lớn của Trung Quốc nhằm dùng lực lượng ngư dân để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý mà nước này áp đặt trên Biển Đông. Bằng cách sử dụng hệ thống vệ tinh mới giúp liên lạc nhanh chóng với các lực lượng quân sự, ngư dân còn có thể giúp chính quyền Trung Quốc thiết lập một vùng cấm đánh bắt ở Biển Đông.

Đáng chú ý, cùng thời gian này, Trung Quốc cũng lên kế hoạch điều động tàu Hải Cảnh 3901 mới, dự kiến được biên chế cho Phân cục Nam Hải, để đảm nhận các nhiệm vụ tuần tra cảnh giới, hộ ngư, cứu nạn,… trên Biển Đông. Trước đó, chiếc tàu 10.000 tấn cùng loại là tàu Hải Cảnh 2901 cũng được phân về cho Hạm đội Đông Hải, phụ trách tuần tra biển Hoa Đông.

Trung Quốc cũng đang dự tính đưa tàu hải cảnh lớn nhất thế giới tới khu vực Biển Đông

Trung Quốc cũng đang dự tính đưa tàu hải cảnh lớn nhất thế giới tới khu vực Biển Đông. Ảnh Tiexue

Truyền thông Trung Quốc cho hay Hải Cảnh 3901 cùng Hải Cảnh 2901 là tàu hải cảnh lớn nhất thế giới, có lượng giãn nước khi đầy tải đạt khoảng 12.000 tấn. Tàu trang bị pháo hạm H/P J-26 76 mm, hai tháp pháo 30 mm và hai súng máy phòng không. Vận tốc tàu lên tới hơn 45 km/h. Sau khi đi vào hoạt động, tàu Hải Cảnh 3901 có thể thực hiện các nhiệm vụ như tuần tra cảnh giới, hộ ngư, cứu hộ cứu nạn... trên khu vực Biển Đông.

Những động thái mới nhất này của Trung Quốc đã khiến sự quan tâm của các nước trong và ngoài khu vực về vấn đề Biển Đông ngày một dâng cao, trong đó có siêu cường Mỹ với hoạt động tuần tra Biển Đông và gần đây là Nhật Bản. Cụ thể, báo Dân Trí đưa tin từ trang Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 10/1 cho biết, Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã quyết định ngừng sứ mệnh chống cướp biển của máy bay tuần tra P-3C ở Somali và ưu tiên cho nhiệm vụ tuần tra ở khu vực Biển Đông.

Động thái này được cho là sẽ cho phép Nhật Bản hỗ trợ Mỹ trong chiến dịch tuần tra nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông, đặc biệt xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đây. P-3C thuộc Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (MSDF). Máy bay này tham gia nhiều hoạt động quốc tế như chống cướp biển ở Somali, tuần tra khu vực giữa Nhật Bản và châu Phi 3 tháng 1 lần.

Trước kia, máy bay này được tiếp nhiên liệu tại các căn cứ khá xa Biển Đông ở các nước như Singapore, Thái Lan. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, ngoài lộ trình cũ, các máy bay này sẽ ưu tiên tiếp nhiên lại tại các căn cứ quanh Biển Đông như căn cứ tại Việt Nam, Philippines và Malaysia.

Nhật Bản sẽ điều máy bay P-3C tới tuần tra Biển Đông

Nhật Bản sẽ điều máy bay P-3C tới tuần tra Biển Đông. Ảnh MOD

P-3C cũng sẽ tham gia một phần trong các hoạt động trao đổi quốc phòng tại các nơi mà máy bay đi qua. Theo kế hoạch, máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản có thể dừng chân tại căn cứ Cam Ranh của Việt Nam vào tháng 2, trang Yomiuri Shimbun cho biết.

Trước đó, cuối tháng 11, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka, tư lệnh hải quân thuộc MSDF, tuyên bố tàu chiến Nhật Bản sẽ tuần tra Biển Đông, nhằm theo dõi hoạt động cải tạo đất của Bắc Kinh bất kỳ lúc nào khi có lệnh.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Mới đây, Trung Quốc ngang nhiên thực hiện các chuyến bay thử nghiệm dân sự xuống một đường băng xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Phan Huyền (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang