Tình hình biển Đông ngày 10/8: Trung Quốc kêu gọi Mỹ không can dự vào tranh chấp biển Đông

author 06:52 10/08/2014

(VietQ.vn) - Trong tình hình căng thẳng ở biển Đông, Washington đã đưa ra đề xuất giảm các hành động khiêu khích và thay đổi hiện trạng ở Biển Đông tuy nhiên Mỹ chỉ nhận được phản ứng lãnh đạm từ Trung Quốc tại Diễn đàn an ninh khu vực đang diễn ra ở Myanmar.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Phái đoàn Mỹ, do Ngoại trưởng John Kerry dẫn đầu, chứng minh sự can dự trong vấn đề Biển Đông bằng lời kêu gọi các bên dừng mọi hành động khiêu khích và thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào đặt gần Hoàng Sa hồi tháng 5. 

Ngoại trưởng Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi TQ giảm hành động khiêu khích trong tình hình biển đông đang căng thẳng

“Mỹ và ASEAN có chung trách nhiệm đảm bảo an toàn hàng hải của vùng biển, vùng đất và cảng biển quan trọng trong khu vực", ông Kerry nói trong lời phát biểu ở phần khai mạc Diễn đàn. "Chúng ta cần làm việc cùng nhau để quản lý căng thẳng (ở Biển Đông) và quản lý một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế". 

Tuy nhiên Trung Quốc bác bỏ đề xuất "đóng băng" này, và kêu gọi Mỹ không can dự vào tranh chấp. Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng không có vấn đề gì về hàng hải trên Biển Đông và khu vực này là "ổn định".

Trong tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra đề nghị Mỹ ủng hộ Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền, khi đón tiếp hai thượng nghị sỹ John McCain và Sheldon Whitehouse tới Hà Nội.

Ông McCain cho rằng tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến đổi, diễn biến phức tạp, các giao tranh vẫn diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Ở Biển Đông, Trung Quốc đang hành xử ngày càng hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế. Vấn đề an ninh, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông luôn là vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới.

Hai thượng nghị sĩ đồng tình với ý kiến rằng hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực châu Á, khu vực Đông Nam Á đang bị đe dọa bởi ý đồ và hành động đòi hỏi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, lấn lướt và uy hiếp các nước nhỏ trong khu vực.

Hai ông cho rằng đây là nhân tố gốc rễ, lớn nhất đe dọa hòa bình, ổn định ở Biển Đông và trong khu vực. Do vậy, để đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các bên, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện nghiêm túc DOC, và sớm tiến tới COC.

Vân Anh (Tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang