Tình hình Biển Đông ngày 14/9: Mỹ lên tiếng về việc Trung Quốc xây đảo ở Gạc Ma

author 06:57 14/09/2014

(VietQ.vn) - Tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng đã buộc Mỹ lên tiếng về hoạt động xây đảo nhân tạo và căn cứ quân sự trái phép của Trung Quốc trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Những tin tức mới đây trên báo chí về việc Trung Quốc đang ra sức cải tạo đất, xây đảo nhân tạo trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận trong  và ngoài nước. 

Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh âm mưu, toan tính thực sự của Trung Quốc đằng sau hoạt động xây dựng trái phép này, đặc biệt là nghi vấn về việc liệu Trung Quốc có đưa lực lượng quân sự lên các đảo nhân tạo ở Gạc Ma hay không.

Trung Quốc xây đảo ở Gạc Ma còn nguy hiểm hơn việc đưa giàn khoan vào Biển Đông

Tình hình Biển Đông ngày 14/9: Trung Quốc xây đảo ở Gạc Ma còn nguy hiểm hơn việc đưa giàn khoan vào Biển Đông. Ảnh minh họa

Giữa lúc này, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc mới đây đã đăng bài viết nêu rõ mục đích quân sự của việc cải tạo ở quần đảo Trường Sa và cho rằng việc biến đảo ngầm thành đảo nhân tạo này có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng với Trung Quốc ở Biển Đông khi xảy ra biến cố.

Trong bài báo trên tờ Tân Hoa Xã có đoạn: “Đặc biệt về chiến lược quân sự mà nói, khống chế được các đảo ở Biển Đông, là có nghĩa trực tiếp hoặc gián tiếp khống chế được các tuyến đường hải trên Biển Đông từ Eo biển Malacca tới Malyasia, Châu Âu, và châu Phi.”

Bài báo của Tân Hoa xã nhận định, quần đảo Trường Sa “có giá trị chiến lược vô cùng quan trọng với Trung Quốc. Tuy diện tích các đảo ở Trường Sa hơi nhỏ, không thể làm đòn bẩy khi xảy ra chiến sự, nhưng có thể xây dựng các công trình quan sát cảnh báo sớm làm tuyến đầu cho Trung Quốc” và cho rằng, việc cải tạo mở rộng các đảo ở Trường Sa nhằm cải biến ưu thế quân sự của Trung Quốc.

Tình hình Biển Đông có dấu hiệu tăng nhiệt vì hoạt động xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma của Trung Quốc

Tình hình Biển Đông có dấu hiệu tăng nhiệt khi Trung Quốc đang ra sức vẽ lại bản đồ Biển Đông. Ảnh minh họa

Lý do là bởi theo phân tích của bài báo này thì “Một khi Biển Đông xảy ra biến cố, quân đội Trung Quốc sẽ tác chiến ở Biển Đông, đặc biệt ở quần đảo Trường Sa. Do khoảng cách từ đó tới lục địa Trung Quốc là quá xa, máy bay chiến đấu cất cánh từ đảo Hải Nam thì cũng cần phải bay mất 1.000 km mới có thể tới quần đảo Trường Sa. Các máy bay chiến đầu J-10 và J-11, với tầm chưa đến 2.000 km, sẽ không thể bay tới. Và dù bay được đến nơi cũng không thể hoạt động hiệu quả.” 

Cũng theo lời tác giả của bài báo đăng trên Tân Hoa Xã, “Nếu Trung Quốc có thể xây dựng các cảng, đường băng và các căn cứ tiếp tế tại khu vực quần đảo Trường Sa thì không những có thể kéo dài thời gian tuần tra và duy trì chủ quyền của các tàu Trung Quốc, đồng thời còn giảm được chi phí tuần tra, làm cho việc tuần tra thực thi pháp luật của Trung Quốc tại Trường Sa được thường xuyên và hiệu quả hơn.”

 

 

 

Căn cứ theo những nội dung trên, rõ ràng là bài báo trên tờ Tân Hoa Xã đã kết luận mà không cần che giấu mục đích cho hoạt động phi pháp của Trung Quốc hiện nay ở quần đảo Trường Sa bất chấp trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh từng lấp liếm rằng hoạt động xây dựng ở Gạc Ma chủ yếu là nhằm phục vụ cải thiện đời sống cho người dân cư trú trên đảo.

Trước tình hình Biển Đông có dấu hiệu tăng nhiệt, phía Mỹ đã chính thức lên tiếng về hoạt động xây đảo và căn cứ quân sự trái phép ở bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn trên báo chí, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay Washington đã có các trao đổi với Trung Quốc về tình hình Biển Đông, yêu cầu không có thêm các hành động khiêu khích.

Theo đó, Mỹ đã đối thoại lâu dài với Trung Quốc về việc này, và hy vọng các bên tranh chấp sẽ không tự ý đơn phương giải quyết vấn đề mà nên thông qua các tiến trình pháp lý, trọng tài để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình.

Tình hình Biển Đông căng thẳng thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới

Tình hình Biển Đông căng thẳng thu hút sự chú ý của nhiều nước trên thế giới. Ảnh minh họa

Cũng trong thời gian này, hãng Reuters dẫn lời ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á cho hay "Trung Quốc đang thực hiện các hoạt động xây dựng, cải tạo ở những bãi đá trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông với tiến độ nhanh hơn bất kỳ nước liên quan nào".

Ông Russel khẳng định, hành động này của Trung Quốc làm dấy lên nhiều hoài nghi và lo ngại giữa các nước trong khu vực: "Có phải Trung Quốc muốn xây căn cứ quân sự? Hay Trung Quốc muốn dùng các cơ sở này để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, đưa ra câu trả lời thực tế trước chất vấn ai có chủ quyền với những đặc điểm địa hình khác nhau".

Bên cạnh đó, ông Russel nhấn mạnh việc cải tạo của Trung Quốc khiến tình hình bất ổn hơn và việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình giữa các nước thêm phần khó khăn.

Minh Thùy

 (tổng hợp từ Dân Trí, Báo Đất Việt)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang