Tình hình Biển Đông ngày 29/9: TQ lớn tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ luật pháp QT

author 06:31 29/09/2014

(VietQ.vn) - Sau khi kéo lực lượng tàu thuyền hùng hậu ra Biển Đông và xây dựng các công trình nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang bị cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông lại cao giọng tuyên bố "công bằng và đúng pháp luật" là điều cần thiết để giải quyết các tranh chấp toàn cầu ngay tại diễn đàn Liên Hợp Quốc.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Ngang nhiên phạm luật nhưng đòi người khác tôn trọng luật

Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp toàn cầu như khủng hoảng ở Gaza, Iraq, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Ông Nghị phát biểu tại cuộc thảo luận hàng năm của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào ngày hôm qua 27/9, nơi ông nói rằng "các nguyên tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phải được tôn trọng".

Ngoại trưởng TQ, Vương Nghị

Ông Vương Nghị kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khi TQ vẫn ngang nhiên vi phạm nó ở Biển Đông khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng

"Chúng ta nên bảo vệ công lý. Điều này là bắt buộc để thúc đẩy nền dân chủ lớn hơn và áp dụng các quy định của luật pháp quốc tế, sử dụng các quy tắc công bằng để phân biệt đúng sai, giải quyết tranh chấp, theo đuổi mục tiêu hòa bình và phát triển trong khuôn khổ luật pháp quốc tế", Vương Nghị phát biểu.

Ông Nghị đã tuyệt nhiên không đả động gì đến những căng thẳng giữa (do) Trung Quốc (gây ra) với các nước láng giềng ở Biển Đông sau khi vạch ra cái gọi là phương pháp tiếp cận của Bắc Kinh về hợp tác quốc tế "trên khuôn khổ luật pháp". Các bên liên quan như Philippines và Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước những hành vi gây hấn, xâm lược ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

"Việc theo đuổi của các nước khác nhau về chiến lược phát triển kinh tế xã hội phải được tôn trọng. Quyền được lựa chọn một cách độc lập các hệ thống xã hội và con đường phát triển phải được bảo vệ", Vương Nghị nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu của mình, Vương Nghị lại một lần nữa cảnh báo Mỹ không can thiệp vào vấn đề Biển Đông: "Khi tiến hành hòa giải, cộng đồng quốc tế nên duy trì công lý và có một quan điểm khách quan và công bằng. Các quốc gia không phải là thành viên của xung đột nên hạn chế theo đuổi chương trình nghị sự của mình qua sự tham gia của họ vào xung đột".

"Không được bóp méo lịch sử"

Tranh thủ bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc tranh thủ công kích Nhật Bản "xét lại lịch sử" xung quanh vấn đề nhận thức về lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ II.

Nhưng trong vấn đề Biển Đông, ông Nghị đã lờ tịt đi sự thật lịch sử Trung Quốc cất quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956, 1974, đồng thời đưa quân đánh chiếm 6 bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và đá Vành Khăn năm 1995.

biển đông căng thẳng

Tình hình Biển Đông căng thẳng khi TQ liên tục có những hành động gây hấn trên Biển Đông

Cũng là câu chuyện bóp méo sự thật và ngụy tạo lịch sử, Trung Quốc vẫn liên tục thao thao bất tuyệt rằng họ xác lập chủ quyền ở Biển Đông bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ thời nhà Hán, nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng thuyết phục nào chứng minh mà chỉ thấy tàu chiến, tàu công vụ ngụy trang, giàn khoan khổng lồ và tàu cá vỏ thép ào ạt kéo xuống Biển Đông, uy hiếp láng giềng phải chấp nhận cái gọi là "chủ quyền lịch sử" mà họ đang ngụy tạo.

Trước đó, học giả Lê Oa Đằng, chủ trang Blog có tới hơn 4.039.130 người đọc trên diễn đàn mạng Sina.com lớn hàng đầu Trung Quốc cũng thẳng thừng bác bỏ những luận điểm sai trái của chính quyền Trung Quốc về vấn đề biển Đông.

Học giả Lê Oa Đằng viết: Trung Quốc có thực sự có chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với Nam Hải hay không? Hãy để sự thật lên tiếng. Trung Quốc thực tế đã “phát hiện” Nam Hải từ triều Hán; nhưng Nam Hải không phải do người Trung Quốc phát hiện sớm nhất, mãi đến đời Tần Trung Quốc mới đến Nam Hải; còn trước đó từ rất lâu, tộc người Bách Việt sinh sống ở vùng Quảng Đông và bán đảo Đông Dương đã sinh sống ven Nam Hải. Nếu nói ai “phát hiện” ra Nam Hải thì người Việt Nam có tư cách hơn chúng ta, vì họ là hậu duệ trực hệ của người Bách Việt, và cũng là quốc gia duy nhất được xây dựng bởi chủ thể là các hậu duệ của tộc người Bách Việt.

Ông Lê Oa Đằng khẳng định: Các sách, sử liệu của Trung Quốc từ đời Tống trở về trước đều “rất khó xác định người Trung Quốc đã biết đến Tây Sa (Hoàng Sa) hay chưa, chứ đừng nói tới Nam Sa (Trường Sa). Ví dụ sách “Dị vật chí” đời Đông Hán mà Trung Quốc hay nhắc tới niên đại có ý kiến cho rằng thực ra nó được viết vào đời nhà Ngô sau này, viết: “Trướng Hải Kỳ Đầu, nước nông có nhiều đá có từ tính, từ thạch”.

Chính phủ Trung Quốc cho rằng: Trướng Hải chính là Nam Hải, Kỳ Đầu chính là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phán đoán đó đã phạm sai lầm tối thiểu về mặt lô-gic “lấy cá thể thay cho tổng thể”. Mấy chữ đó không thể chứng minh được những địa danh đó ở nơi nào, cũng chẳng có bài viết nào của Trung Quốc chỉ ra rằng chúng ở đâu.

Sự thật là, những ghi chép đầu tiên giúp xác định Tây Sa (Hoàng Sa) lại do người Chiêm Thành cung cấp. Theo ghi chép trong sách “Tống hội yếu”, năm 1018, sứ giả Champa đi sứ Trung Quốc có nói (dịch nghĩa): “Chúng tôi đến Quảng Châu, thuyền bị gió thổi trôi đến Thạch Đường, đi mãi mới đến được đây. Thạch Đường trên biển cách Nhai Châu 700 dặm, chìm dưới nước 8-9 thước”.

Qua miêu tả cho thấy, Thạch Đường chính là quần đảo Hoàng Sa. Do đoạn văn tự này do người Trung Quốc ghi lại, nên các chuyên gia Trung Quốc liền cho rằng đó là một chứng cứ lịch sử cho thấy Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng họ cố tình không chịu hiểu là: phía Trung Quốc chỉ là người ghi chép lại, còn người Chiêm Thành mới là bên cung cấp thông tin, sự việc được ghi lại chính là: người Chiêm Thành đã đến quần đảo Hoàng Sa.

"Chính vì vậy, nếu lấy ghi chép trong sử liệu làm chuẩn, người Chiêm Thành phát hiện ra Hoàng Sa sớm nhất, Vương quốc Champa là một bộ phận của Việt Nam ngày nay. Xét về quan hệ kế thừa chủ quyền, chính người Việt Nam chứ không phải Trung Quốc đã phát hiện ra quần đảo Hoàng Sa đầu tiên", tác giả Oa Đằng viết.

Khi lớn tiếng đòi hỏi Nhật Bản phải tôn trọng lịch sử, thì trước tiên chính Trung Quốc cần sòng phẳng với lịch sử. Kêu gọi cộng đồng quốc tế tuân thủ luật pháp quốc tế, Bắc Kinh trước tiên hãy ngừng các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

V.A (T/h Giaoduc, BaoDatViet)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang