Tinh vi 'hô biến' hàng Trung Quốc thành sản phẩm có thương hiệu Dior, Chanel

author 16:09 30/10/2020

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT Hà Nội vừa bắt quả tang cơ sở đang “hô biến” hàng Trung Quốc thành hàng thương hiệu Dior, Chanel.

Theo tin tức từ Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT Hà Nội vừa tiến hành đột xuất kiểm tra Cơ sở kinh doanh thời trang tại Phòng 301 nhà 20 phố Chùa Quỳnh, Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Nguyễn Văn Vũ làm chủ ngày 28/10/2020. Thời điểm lực lượng kiểm tra ập đến, chủ cơ sở chỉ xuất trình được duy nhất một loại giấy tờ đó là chứng minh thư nhân dân.

 Lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện hành vi đính nhãn, vật phẩm mang thương hiệu “Dior”, “Chanel” lên các sản phẩm thời trang đã được cắt tem, mác. Ảnh: Quyên Lưu

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã bắt quả tang chủ cơ sở đang thực hiện hành vi đính nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu “Dior”, “Chanel” lên hàng hóa. Bên cạnh đó là 79 sản phẩm quần, áo, váy các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 166 quần, áo, váy các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ; 725 vỏ hộp bằng giấy mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 107 nhãn bằng vải mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 3.156 nhãn bằng giấy mang nhãn hiệu Chanel, Gucci, Dior; 1.800 vật phẩm bằng nhựa mang nhãn hiệu Dior, Gucci.

Xác định toàn bộ số hàng hóa trên có dấu hiệu vi phạm, Đội QLTT số 14 đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, làm rõ các dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định.

Vận chuyển hàng lậu nóng những tháng cuối năm (VietQ.vn) - Trong công tác kiểm tra tình hình kinh doanh, vận chuyển hàng lậu trên địa bàn, Đội QLTT số 6 Lạng Sơn đã thu giữ 12 loại hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Trước đó, lực lượng QLTT Hà Nội cũng đã phát hiện các nhân viên một cơ sở kinh doanh tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang cắt nhãn mác Trung Quốc trên các sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách để gắn nhãn hiệu nổi tiếng như Dior, Gucci… tại phố Nguyễn An Ninh (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

Cụ thể, lực lượng chức năng đã phát hiện hàng ngàn sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách có chữ Trung Quốc trộn lẫn cùng các hàng hóa mang thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Luis vuitton, Gucci…

Tại cơ sở kinh doanh này, liên ngành cũng thu giữ nhiều nhãn mác, bao bì của những thương hiệu nổi tiếng. Đặc biệt, lực lượng chức năng phát hiện các nhân viên tại cơ sở này đang thực hiện hành vi cắt mác hàng Trung Quốc, gắn mác thương hiệu nổi tiếng, sau đó đóng gói để chuẩn bị đi giao hàng.

Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng còn phát hiện một lượng hóa đơn mua hàng ở nước ngoài cũng có dấu hiệu làm giả. Bước đầu, nhân viên cơ sở này thừa nhận chỉ bán hàng qua mạng xã hội. Cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để điều tra, truy xuất nguồn gốc của số hàng hóa này.

Quy định mới nhất về nhãn hàng hóa 

Liên quan đến nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu, ngày 14/4/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về vấn đề này. Nghị định có mốt số nội dung đáng chú ý sau:

Thứ nhất, nhãn hàng hóa, nhãn phụ được in phải đảm bảo đúng bản chất của hàng hóa, trung thực, rõ ràng và chính xác. Với những hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì người chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn phải là các tổ chức, cá nhân sản xuất. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân đó yêu cầu một tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm về hàng hóa của mình.

Thứ hai, bổ sung thêm quy định ghi nhãn phụ. Theo đó, hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa vào lưu thông trên thị trường phải có nhãn phụ, bên cạnh hàng nhập khẩu như quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì trên nhãn phụ phải có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam”.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định các trường hợp không phải ghi nhãn phụ, cụ thể:

Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường; Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

Thứ ba, trong trường hợp nhãn gốc của những hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam không phù hợp với quy định của Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu vẫn phải giữ nguyên nhãn gốc nhưng bên cạnh đó, phải ghi thêm nhãn phụ theo quy định khi đưa ra lưu thông hàng hóa. Nhãn phụ cũng được sử dụng khi hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt trên nhãn.

Thứ tư, về kích thước của nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa thì phải đảm bảo theo yêu cầu: ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định; kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang