'Tôi mà đi Lexus sẽ đút lót chứ không để tịch thu xe'

author 14:54 12/03/2015

(VietQ.vn) - Trước rất nhiều ý kiến phản đối, ông Khuất Việt Hùng, tác giả của đề xuất "tịch thu phương tiện" vẫn giữ lập trường cương quyết với đề xuất của mình.

Tất nhiên, ông Khuất Việt Hùng cũng khẳng định sẽ tiếp thu rộng rãi ý kiến của các cơ quan nhà nước, các chuyên gia và các bên liên quan. Chất lượng Việt Nam đã ghi lại phần tranh luận hấp dẫn này trong cuộc hội thảo Tịch thu phương tiện: Pháp lý và thực tiễn. Nhiều tình huống tranh luận “nóng” đã xảy ra giữa các đại biểu.

Không tịch thu thì phạt nặng là nặng như thế nào? 

Mở đầu phần tranh luận, ông Phan Hữu Thư, một luật sư nêu quan điểm, dư luận quan tâm đến vấn đề có trái Hiến pháp không, quan điểm của tôi thì nếu thiếu luật hoặc luật chưa đủ thì chúng ta bổ sung. Nếu cân nhắc tính công bằng, bao gồm cả tính hợp lý và công bằng của văn bản vi phạm Pháp luật muốn đưa ra cho người dân. Ngoài ra, cần cân nhắc cả tính hiệu quả và tính khả thi của văn bản. “Khi dân chúng đang bức xúc như hiện tại thì bằng cách này hay cách khác tính khả thi không cao. Tôi dám lấy cả tính mạng của mình để bảo đảm tính khả thi của đề xuất này thấp”, ông Phan Hữu Thư tự tin khẳng định.

Ông Phan Hữu Thư cũng nêu vấn đề văn bản này có ảnh hưởng đến các chính sách hiện tại của Đảng và Chính phủ hay không, ví như chính sách xóa đói giảm nghèo. Bây giờ gia đình nghèo có “con” xe Trung Quốc để làm phương tiện làm ăn mà đi chợ chỉ uống hai ly cuốc lủi rồi gặp cảnh sát giao thông kiểm tra khí thở bị tịch thu, họ lại quay về trạng thái nghèo thì không nên. “Do đó, tôi thiên về hướng phạt nặng hơn nhưng không nên quá nặng”, ông Phan Hữu Thư đưa ra quan điểm.

Tranh luận luôn quan điểm giải quyết tình huống nên tăng nặng thế nào là hợp lý, ông Khuất Việt Hùng đề nghị luật sư Phan Hữu Thư: “Xin anh đề xuất hộ nếu không tịch thu phương tiện thì hướng tăng nặng hoặc là cách nào đó có thể áp dụng hợp lý hơn trong trường hợp này?”  

Ông Phan Hữu Thư trả lời, tôi nghĩ không nên lấy giá trị xe để áp đặt hình phạt, dù vẫn nên phân biệt ô tô, xe máy. Nặng hay nhẹ phụ thuộc vào lỗi. Ví dụ, anh vi phạm nhiều lần thì chế tài càng nặng, không loại trừ tịch thu. Anh vi phạm 5 lần một năm nên tịch thu nhưng giờ một người vừa lần đầu uống cốc rượu ra khỏi quán bắt thở vào máy thở, rồi tịch thu luôn phương tiện của người ta ở lần vi phạm đầu là không nên.

Ông Khuất Việt Hùng tranh luận về đề xuất tịch thu phương tiệnÔng Khuất Việt Hùng tranh luận và tiếp thu ý kiến các chuyên gia tại hội thảo. Ảnh: News.zing.vn

Ông Phan Hữu Thư cũng bày tỏ rằng bản thân cũng sợ khi say rượu lái xe, vậy thì làm thế nào để người uống rượu say sợ lái xe khi say rượu là vấn đề. Việc này sẽ nảy sinh vô vàn những zích zắc mà chúng ta chưa thể tính toán hết được nếu vội vàng đưa vào thực thi. “Đây không phải là công trường để anh Thăng nói là anh này làm không được tôi thay mà liên quan đến hàng chục triệu dân. Tôi đồng ý tịch thu nhưng không phải là tịch thu ngay lập tức”, ông Phan Hữu Thư chốt lại quan điểm của mình.

 “Tôi mà đi Lexus sẽ đút lót chứ không để bị tịch thu” 

Báo Tri thức trẻ nêu câu hỏi rằng: ông Khuất Việt Hùng khi uống rượu bia xong có bao giờ lái xe không?

Ông Khuất Việt Hùng sau khi cho rằng đây là vấn đề cá nhân, cũng đã trả lời: “Từ năm thứ 4 đại học đến giờ, tôi đã uống rượu bia thì không bao giờ lái xe, tôi đi bằng taxi hoặc bất cứ cách nào khác có thể”.

Phần tranh luận trở nên “nóng” khi đại diện văn phòng Luật sư Hoàng Trung muốn cả hội thảo cho biểu quyết để đồng ý hay không nhưng LS Trần Vũ Hải và ông Mai Phan Lợi, hai thành viên trong đoàn chủ tọa hội nghị ngay lập tức ngắt lời Luật sư Hoàng Trung và không đồng ý. Lý do vì đây là hội thảo đáp ứng yêu cầu cần làm rõ vấn đề nên không nên tổ chức cuộc thăm dò ngay khi mọi việc chưa được rõ ràng và chưa đủ thông tin.

Tiếp theo, ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc trung tâm Tư vấn Giám định Pháp luật Dân sự trình bày quan điểm, về mặt pháp lý như các luật sư trình bày là “đá” nhau. Do đó, phải phân biệt đâu là quy định trên hết, đề nghị làm trước Luật về rươu bia đi. Tại sao các nước sợ chết khiếp khi uống rượu bia lái xe.

“Tôi đề nghị khôi phục lại chuyện cắt lỗ bằng lái xe. Nghị định không thay được pháp luật, Hiến pháp là cái to nhất. Có rất nhiều hình thức xử phạt như tịch thu xe, phạt tiền, bấm lỗ bằng, ngồi tù… Đề nghị chọn phương án phù hợp với thực tiễn. Khi đưa ra vấn đề phải có cơ sở thực tiễn, điều tra thực tế hẳn hoi. Nếu ông Khuất Việt Hùng hỏi 1.000 ông lái xe tải của Việt Nam thì tôi đảm bảo 1.000 ông trả lời rằng nếu phạt 40 triệu đồng là sợ chết khiếp rồi. Nếu tịch thu phương tiện sẽ nảy sinh một loạt các vấn đề khác. Tôi mà đi xe Lexus, tôi không thể để tịch thu được, tôi sẽ đút lót”, ông Hoàng Mạnh Hùng nói.

Kết luận phần tranh luận hội thảo, ông Khuất Việt Hùng, tác giả của đề xuất nói: “Tôi tham mưu rất cương quyết về đề xuất này. Trước nay uống năm bảy chai lái xe không vấn đề này, giờ bị tịch thu, tâm lý đầu tiên là phải cãi đã chứ. Có người nói chúng ta phải chờ cho đầy đủ quy định pháp luật, sửa đổi quy định của pháp luật sẽ là giải pháp căn cơ nhất”. 

Ông Khuất Việt Hùng khẳng định, ông cùng với Vụ phó Vụ an toàn Giao thông sẽ ghi nhận tất cả những ý kiến đồng thuận và không đồng thuận. Nếu có giải pháp khác, Ủy ban ATGT Quốc gia rất cần được nghe và tiếp thu.

Trần Hoài

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang