TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện và xử lý nhiều quần áo, máy tính xách tay dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu

author 06:37 12/08/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, cục Quản lý thị trường, Tp. Hồ Chí Minh đã phát hiện và thu giữ nhiều hàng hóa nhập lậu, nghi dấu hiệu giả mạo, bao gồm: nhiều quần áo thời trang và máy tính xách tay.

Tại thời điểm kiểm tra, Quản lý thị trường (QLTT) tạm giữ lô hàng 1.790 quần, áo may sẵn có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.  

Trước đó, Đội QLTT số 14 cũng tạm giữ 140 máy tính xách tay nhập lậu đã qua sử dụng tại số 196/19 đường Vườn Lài (quận Tân Phú). Ghi nhận từ cơ quan chức năng, hàng hóa không rõ cấu hình, chất lượng, gắn các thương hiệu máy tính do nước ngoài sản xuất. Toàn bộ hàng hóa được Đội QLTT số 14 niêm phong, tạm giữ để xử lý theo quy định pháp luật.

 Lực lượng chức năng thu giữ hàng hóa nhập lậu. Ảnh minh họa

Số hàng hóa bị thu giữ bao gồm: 89 cái hiệu Lenovo, model: ThinkPad X270 do Trung Quốc sản xuất; 15 cái hiệu MacBook Air, model: A1465 do Trung Quốc sản xuất; 16 cái hiệu MacBook Air, model: A1466 do Trung Quốc sản xuất và 20 cái hiệu HP, model: EliteBook 820 G3 do Nhật sản xuất. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng trên 300 triệu đồng.

Ngoài ra, cục QLTT TP. HCM cũng vừa phát đi thông báo công khai lựa chọn đơn vị có chức năng tiêu hủy hàng hóa gồm hóa mỹ phẩm, khẩu trang y tế, khăn ướt, bánh trung thu… 

Theo lực lượng chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu và phân phối thương mại sản phẩm phải có chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì sản phẩm ghi nhận các thông tin đầy đủ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, trường hợp kinh doanh hàng hóa mà khi có kiểm tra, đơn vị không xuất được các chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP tùy thuộc vào giá trị hàng hóa sẽ bị xử phạt các mức khác nhau.

Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ- CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên”.

Ngoài hình phạt tiền, hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì còn có thể bị khởi tố điều tra, truy tố theo Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 về tội buôn lậu với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là 15 năm tù, với pháp nhân thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang