TP. HCM: Phát hiện 2 kho hàng hóa nhập lậu có giá trị lớn

author 11:35 06/12/2023

(VietQ.vn) - Kiểm tra hai căn nhà tại quận 10, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời trang... nghi nhập lậu. Số lượng hàng trên rất lớn và có trị giá nhiều tỉ đồng.

Theo đại diện của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, qua kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 1 phối hợp với lực lượng Công an quận 10 vừa phát hiện hai kho hàng có dấu hiệu nhập lậu lượng rất lớn mỹ phẩm, hàng tiêu dùng...

Tại hiện trường, hai căn nhà có địa chỉ trên đường Thành Thái, phường 14, quận 10, chứa hàng trăm ngàn sản phẩm các loại từ mỹ phẩm đến thực phẩm, thực phẩm chức năng, các loại sữa và lượng lớn giày dép, quần áo. Theo đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, với nhiều tầng lầu đều chứa hàng, đây là kho hàng có số lượng rất lớn và đa dạng về chủng loại.

Bước đầu, qua thông tin có được, lực lượng chức năng nhận định toàn bộ số hàng hóa tại hai kho hàng nói trên đều có dấu hiệu nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu và có trị giá nhiều tỉ đồng. Hiện lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để kiểm đếm, xác minh, xử lý theo quy định.

Lực lượng chức năng thu giữ số hàng hóa lậu có giá trị khủng

Theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng cao, đây là thời điểm mà hoạt động kinh doanh hàng kém chất lượng, nhập lậu, không rõ nguồn gốc... gia tăng mạnh. Do đó, đơn vị sẽ tăng thanh tra, kiểm tra các điểm bán, đặc biệt các kho hàng, đầu mối xuất nhập khẩu, bán sỉ.

Nói tới thực phẩm chức năng nhập lậu, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân về vấn đề này chủ yếu do luật chưa theo kịp thực tiễn, đôi lúc các cơ quan quản lý tự mâu thuẫn trong việc kiểm tra, giám sát mặt hằng này. Đối với thực phẩm chức năng nhập khẩu chỉ kiểm tra nguồn gốc xuất xứ trên giấy tờ, nên chưa thể ngăn chặn hiện tượng trà trộn hàng giả, kém chất lượng, hàng nhập lậu vào hàng thật khi tiêu thụ.

Ngoài ra, thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ trong khi hệ thống quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng này còn khá lỏng lẻo. Thông thường đối tượng sản xuất hàng giả thường lập doanh nghiệp có chức năng kinh doanh, sản xuất thực phẩm chức năng, sau đó thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm không dán tem, nhãn mác.

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe và là một người tiêu dùng thông minh, người mua cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), được quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...

Liên quan đến hàng hóa nhập lậu, theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy giá trị hàng hóa nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt 1 triệu đến 100 triệu đồng.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang