TP.HCM: Phát hiện, xử lý số lượng ‘khủng’ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu

author 20:29 06/11/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng vừa tiến hành tạm giữ gần 8.000 sản phẩm hàng hóa và tiêu huỷ gần 2.000 sản phẩm là quần, áo thời trang các loại do nước ngoài sản xuất, giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Tạm giữ gần 8.000 sản phẩm 

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Cục QLTT TP.HCM bất ngờ kiểm tra đồng loạt 02 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Gò Vấp. 

Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện 7.708 đơn vị sản phẩm là quần, áo thời trang các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá số hàng hoá vi phạm là 253.040.000 đồng.

Cụ thể, tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, Đoàn kiểm tra phát hiện 1.594 cái áo thun nữ mang nhãn hiệu của Zara không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. Trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là 87.670.000 đồng.

Đoàn đang kiểm tra hàng hoá vi phạm tại điểm chứa trữ, kinh doanh.

Cũng trên đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, Đoàn kiểm tra phát hiện một điểm khác kinh doanh 6.114 đơn vị sản phẩm là quần, áo, vớ do nước ngoài sản xuất và không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam: Polo Ralph Lauren, Pull&Bear, Zara, Tommy Hilfiger,... Trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là 165.370.000 đồng. Đội QLTT số 2 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.

Tiêu huỷ gần 2.000 sản phẩm 

Cục QLTT TP.HCM cho biết, tại Chi nhánh Môi trường Đô thị Sài Gòn - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM (địa chỉ số 150 Lê Đại Hành, phường 7, quận 11, TP.HCM), Đội QLTT số 5 TP.HCM đã thực hiện tiêu hủy hàng hóa đối với 1.910 đơn vị sản phẩm vi phạm, tổng trị giá 260.930.000 đồng.

Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy này là quần áo, vải, giày, dép, ốp lưng điện thoại di động, túi nhựa các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo các nhãn hiệu Chanel, Nike, Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Dior…

Theo Cục QLTT TP.HCM, riêng đối với hàng giả, trong quý 3/2023, các Đội QLTT đã kiểm tra, xử lý 426 trường hợp vi phạm về các hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu,... 

Các lực lượng QLTT đã tạm giữ 49.444 đơn vị sản phẩm sữa bột, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử, phụ kiện điện thoại di động, phụ tùng xe máy, đồng hồ, dụng cụ cầm tay, vải, trang sức xi mạ,… nhãn hiệu Honda, Adidas, Nike, Chanel, Valentino, Versace, Louis Vuitton, Apple, Levi's, Apple, Bosch, Dior, Rolex, Patek Phillippe, MLB,... Tổng trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 4,2 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng đang tập kết hàng hoá để tiêu huỷ.

Trước tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gian lận thương mại không có dấu hiệu thuyên giảm, Cục QLTT TP. HCM cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra tại các trung tâm thương mại, tuyến đường phố.

Trong các tháng cuối năm, dự báo nguồn hàng hóa di chuyển vào thị trường từ hướng biên giới Tây Nam được tập kết tại các kho hàng, điểm trung chuyển, chứa trữ và bày bán, kinh doanh tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm, trung tâm thương mại sẽ hoạt động sôi nổi, mạnh hơn. Do đó, Cục QLTT TP.HCM tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tập trung đẩy mạnh hơn nữa thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giám sát, thẩm tra, xác minh để kiểm soát. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của các đối tượng vi phạm tại các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ và tại kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang