Công cụ TPM, Kaizen: Giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

author 10:37 26/05/2022

(VietQ.vn) - Việc áp dụng bộ công cụ TPM, Kaizen giúp nhiều doanh nghiệp cải tiến năng suất chất lượng, góp phần hợp lý hóa sản xuất, giảm lãng phí và nâng cao năng suất lao động.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năm 2020, với mục tiêu trở thành công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực gia công và sản xuất sản phẩm nhựa, Công ty Cổ phần CNCPS đóng tại Bình Dương (CNCPS) đã áp dụng và thực hiện tốt 5S cùng Chương trình hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ quản lý hiệu suất tổng thể (TPM) để tiết kiệm thời gian thay đổi mã hàng và thời gian di chuyển của công nhân tới 30 phút, tạo môi trường làm việc an toàn, ngăn nắp.

TPM, Kaizen: Bộ công cụ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

 TPM và Kaizen là hai công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.

Nhờ đó, chỉ sau thời gian ngắn triển khai, OEE (chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể) của CNCPS đã tăng từ 51% lên 78%, thời gian dừng máy do sự cố giảm từ 5.400 phút xuống còn 1.296 phút, sự cố dừng máy trong tháng giảm từ 27 lần xuống còn 18 lần, thời gian thay khuôn giảm từ 75 phút xuống còn 45 phút. Tỷ lệ hàng đạt chất lượng tăng từ 90% lên 97%, chi phí bảo trì máy giảm được 3 triệu đồng/máy/năm.

 
TPM (Total Productive Maintenance) là phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. TPM được giới thiệu vào những năm 1950, khi các nhà máy tại Nhật Bản du nhập, nghiên cứu, áp dụng phương pháp bảo dưỡng phòng ngừa (Preventive Maintenance – PM) từ Mỹ.
Theo phương pháp này, việc vận hành máy móc tại phân xưởng sản xuất là do công nhân vận hành thực hiện, còn việc bảo dưỡng máy móc mới do một bộ phận chuyên trách khác. Tuy nhiên, với mức độ tự động hóa ngày càng cao, hoạt động bảo dưỡng phòng ngừa đòi hỏi nhiều nhân lực chuyên môn cho bộ phận bảo dưỡng, thậm chí có khi còn cao hơn số lượng công nhân vận hành.
Điều này khiến các nhà quản lý phải tìm cách thay đổi, theo đó: công nhân vận hành phải đảm nhiệm cả công việc bảo dưỡng hàng ngày còn bộ phận bảo dưỡng chuyên trách sẽ quản lý và đảm nhiệm các công tác bảo dưỡng quan trọng định kỳ. Khái niệm tự chủ bảo dưỡng (Autonomous Maintenance – AM), một yếu tố quan trọng của TPM cũng được xuất hiện từ đây.
 

Hay bằng việc áp dụng Kaizen trong chiến lược kinh doanh tại Toyota, ngay từ khi áp dụng, mỗi công nhân trong nhà máy của Toyota luôn thực hiện công việc một cách dễ dàng, đơn giản. Bằng cách tự chế tạo xe chuyên chở trong nội bộ nhà máy từ các bộ phận có sẵn trên dây chuyền và lắp thêm động cơ, Toyota có thể tiết kiệm gần 3.000 USD cho chi phí mua sắm xe chở hàng.

Việc áp dụng Kaizen cũng giúp Toyota cung cấp nguyên liệu hợp lý tùy thuộc khối lượng được tiêu thụ, giảm thiểu công việc trong quy trình và sự sắp xếp hàng hóa tồn kho. Do vậy, công nhân chỉ phải dự trữ một khối lượng nhỏ cho mỗi sản phẩm và thường xuyên bổ sung chúng dựa trên những gì mà khách hàng thật sự lấy đi. Điều này giảm thao tác thừa của công nhân, máy móc thiết bị giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng công việc, giảm giá thành sản phẩm.

Theo các chuyên gia, Kaizen mở ra sự giao tiếp và cho phép một doanh nghiệp trở nên linh hoạt và thích nghi hơn với một thế giới đang thay đổi.

Kaizen là nền tảng cho sự thay đổi và cải tiến liên tục, thay đổi hướng tới tương lai phát triển tốt đẹp hơn. Nó là nền tảng để gắn kết, đưa doanh nghiệp vào tư thế phù hợp để bơi nhanh theo dòng thay đổi tự nhiên.

 Ảnh minh họa.

Hiện nay, tại nước ta việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng vẫn còn khá mới mẻ, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, các hệ thống quản lý, công cụ này là một trong những giải pháp quan trọng bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang