Trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng điển hình IKEA

author 06:49 30/10/2014

(VietQ.vn) - Một trong những xu hướng của chuỗi cung ứng trong tương lai là thân thiện với môi trường và xã hội.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Chúng ta thường gặp các cụm từ như “chuỗi cung ứng xanh” (green supply chain), chuỗi cung ứng bền vững (sustainable supply chain)… trên các phương tiện thông tin đại chúng hay các tạp chí chuyên ngành về chuỗi cung ứng. Tất cả các khái niệm này là một phần của trách nhiệm xã hội của công ty (corporate social responsibility – CSR). Điều này cho thấy vấn đề chuỗi cung ứng với trách nhiệm xã hội đang thu hút được sự quan tâm, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia.

Bảo vệ lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp cần quan tâm tới trách nhiệm xã hội

Bảo vệ lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp cần quan tâm tới trách nhiệm xã hội


Trước đây, vấn đề trách nhiệm xã hội của công ty chỉ gói gọn trong nội bộ công ty. Các vấn đề về môi trường và con người được công ty quản lý. Tuy nhiên, trong chuỗi cung ứng, các vấn đề này không còn dừng lại ở phạm vi công ty, mà đã được mở rộng ra đến các đối tác trong chuỗi như nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà cung cấp dịch vụ logistics (third-party logistics providers), và các nhà trung gian mà công ty không có quyền sở hữu. Lấy ví dụ như năm 2007, hãng đồ chơi lớn nhất thế giới Mattel đã phải xin lỗi khách hàng và thu hồi hàng triệu sản phẩm đồ chơi của mình ra khỏi thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu do được phát hiện là không an toàn đối với trẻ em. Hầu hết các đồ chơi này được Mattel thuê ngoài để sản xuất tại Trung Quốc. Sự việc này đã làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của Mattel. Vấn đề không nằm ở chỗ quy trình quản lý trách nhiệm xã hội của Mattel mà ở các nhà cung cấp của họ. Điều này đã buộc Mattel phải đặt ra những quy trình và hệ thống về trách nhiệm xã hội để khuyến khích các nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất các đồ chơi an toàn hơn. Đây không phải là trường hợp lần đầu mà một tập đoàn đa quốc gia như Mattel phải chịu những tổn thất do các nhà cung cấp không tuân thủ theo những quy trình và những bộ chuẩn về trách nhiệm xã hội như vi phạm quyền công đoàn, sử dụng lao động trẻ em, an toàn đối với người tiêu dùng, môi trường làm việc không tốt, phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc. Các tập đoàn đã từng bị chịu tổn thất là Nike, Gap, H&M,Wal-Mart và Mattel. Vì thế, vấn đề trách nhiệm xã hội đã được các tập đoàn đa quốc gia đưa vào các chương trình kinh doanh của mình. Bài viết sẽ giới thiệu chương trình trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng đã được thực hiện thành công bởi một tập đoàn đa quốc gia – IKEA.


IKEA là chuỗi cửa hàng bán lẻ giá rẻ đồ dùng trong nhà có trụ sở chính tại Thụy Điển. Các sản phẩm của IKEA gồm các đồ dùng trong nhà bằng gỗ, các đồ dùng trong phòng tắm và nhà bếp. IKEA được thành lập năm 1943 bởi Ingvar Kampard và cho đến nay công ty vẫn được sở hữu bởi gia đình Kampard. Hiện nay, công ty có khoảng 237 cửa hàng bán lẻ ở trên 34 quốc gia/lãnh thổ với hơn 10.000 nhân viên. Năm 2006, doanh thu bán lẻ của IKEA đạt 17,7 tỷ Euro. Bởi vì IKEA chỉ có một số nhà máy sản xuất nên hầu hết các sản phẩm đều được cung ứng bởi các nhà cung cấp. Hiện nay, IKEA có khoảng 1500 nhà cung cấp ở trên 55 quốc gia. Hai phần ba trong số đó ở Châu Âu, còn lại một phần ba ở Châu Á. Ở Bắc Mỹ số lượng nhà cung cấp chỉ chiếm khoảng 3%. Năm quốc gia lớn nhất mà IKEA thực hiện mua hàng là Trung Quốc (19%), Ba Lan (12%), Thụy Điển (8%), Ý (7%) và Đức (6%). 


Trong những năm gần đây, IKEA đã thay đổi chiến lược kinh doanh của mình: đi từ việc bán hàng chuyển sang mua hàng. Với chiến lược này, IKEA đã dành một nguồn lực đáng kể trong việc xây dựng mối quan hệ chiến lược với các nhà cung cấp. Nếu trước đây IKEA có rất nhiều nhà cung cấp nhỏ và mối quan hệ ngắn hạn, thì ngày nay IKEA đã chú trọng hơn vào việc xây dựng mối quan hệ dài hạn với một số nhà cung cấp lớn. Một điểm khác biệt nữa trong chiến lược mua hàng này là cách làm việc của IKEA với các nhà cung cấp. Trước đây, IKEA đưa yêu cầu về chất lượng, dịch vụ, giá cả và trách nhiệm môi trường – xã hội đến nhà cung cấp thì với chiến lược mới, IKEA đã cùng với nhà cung cấp phát triển và giải quyết các vấn đề trên. Và để trở thành một trong số những nhà cung cấp chiến lược cho IKEA, bên cạnh các tiêu chuẩn như thái độ và phong cách quản lý, tình hình tài chính, khả năng mua nguyên vật liệu, hiệu quả chất lượng… các nhà cung cấp còn phải cam kết và thực hiện bộ tiêu chuẩn về môi trường và xã hội do chính IKEA phát triển gọi là “The IKEA Way on Purchasing Home Furnishings Products”- gọi tắt là IWAY.
IWAY – trái tim của hệ thống trách nhiệm xã hội của IKEA. Nhận thấy rủi ro về điều kiện xã hội hay môi trường của nhà cung cấp có thể ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của IKEA, các nhà quản trị tại tập đoàn IKEA đã quyết định phát triển bộ tiêu chuẩn về môi trường và xã hội dành cho các nhà cung cấp. Sau khoảng gần 2 năm, bộ tiêu chuẩn này được hoàn thành và năm 2000, IKEA chính thức công bố bản chính thức IWAY đến toàn bộ các nhà cung cấp của mình trên toàn thế giới. Cùng với bộ tiêu chuẩn xã hội và môi trường IWAY, IKEA cũng thành lập Hội đồng IWAY (IWAY Council), được dẫn dắt bởi Chủ tịch Tập đoàn IKEA, có trách nhiệm giải quyết tất cả các vấn đề mang tính nguyên tắc của bộ tiêu chuẩn IWAY.

 

Bộ tiêu chuẩn IWAY định rõ những yêu cầu mà IKEA mong muốn từ nhà cung cấp, và ngược lại những yêu cầu mà nhà cung cấp mong muốn từ IKEA về các vấn đề như điều kiện làm việc (working condition), lao động trẻ em, môi trường và quản lý các vấn đề liên quan đến rừng. Đó là một quá trình hai chiều thay vì một chiều như trước đây. IKEA yêu cầu các nhà cung cấp của mình tuân thủ luật pháp và những quy định của quốc gia, cũng như quốc tế về các vấn đề môi trường, điều kiện làm việc và lao động trẻ em. Bộ IWAY bao gồm 19 lĩnh vực khác nhau và được chia thành hơn 90 vấn đề cụ thể. IKEA cũng phát triển các bảng checklist, được ví như là công cụ kiểm soát của IKEA đối với các nhà cung cấp. Đây là một bộ phận không tách rời với IWAY. Bộ tiêu chuẩn IWAY được IKEA điều chỉnh hai năm một lần nhằm phản ánh chính xác những thay đổi về môi trường – xã hội trên toàn cầu.


Để đảm bảo thực hiện tốt chương trình IWAY, IKEA đã tiếp cận từ bên trong nội bộ và bên ngoài nội bộ. Bên trong nội bộ, một số bộ phận tại tập đoàn được tổ chức hướng tới làm việc với các nhà cung cấp về các điều kiện môi trường và xã hội. Chẳng hạn như ở toàn cầu, IKEA đã thiết lập ra bộ phận Tuân thủ và Giám sát (Compliance and Monitoring Group) nhằm đảm bảo quản lý và chuẩn hóa bộ IWAY. Bộ phận này cũng có trách nhiệm kiểm soát nội bộ quy trình của các kiểm soát viên IKEA. Hơn thế nữa, bộ phận này cũng cung cấp đào tạo và hỗ trợ các kiểm soát viên IKEA. Để đảm bảo tính khách quan và tính trung thực, bộ phận này có quyền thuê các công ty kiểm toán bên ngoài nhằm thực hiện các kiểm soát sự tuân thủ của các nhà cung cấp. Các bộ phận như, kiểm soát và mua hàng (purchasing team), sẽ thường xuyên thực hiện việc đánh giá sự tuân thủ của các nhà cung cấp. Đặc biệt là bộ phận mua hàng, bên cạnh các chỉ tiêu đạt được như giá cả, lượng hàng, doanh thu, giao hàng, chất lượng sản phẩm, thì đáp ứng yêu cầu về IWAY từ các nhà cung cấp là một chỉ tiêu quan trọng cho việc đánh giá hiệu quả của nhóm này. Ngoài ra các nhân viên hoạt động liên quan đến việc thực hiện IWAY đều được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết để thực hiện công việc của mình. Các kiến thức này chủ yếu liên quan đến các vấn đề về môi trường và xã hội từ hoạt động sản xuất, kỹ thuật kiểm soát, quy định về môi trường tại nước sở tại, văn hóa và ngôn ngữ tại nước mà nhà cung cấp IKEA hoạt động. Các kiến thức này được cung cấp thông qua hàng loạt các khóa đào tạo nội bộ. Bên cạnh đào tạo, IKEA cũng tạo điều kiện cho các nhân viên trao đổi với nhau, chẳng hạn giữa những nhà kiểm soát với bộ phận mua hàng hay giữa các nhân viên trong bộ phận mua hàng với nhau.


Chương trình IWAY sẽ vô nghĩa với IKEA nếu như không có sự hợp tác từ các nhà cung cấp. IKEA đã cố gắng xây dựng những chương trình với các nhà cung cấp để thực hiện thành công chương trình này. Đầu tiên IKEA tổ chức những buổi giới thiệu chương trình này đến các nhà cung cấp và đánh giá liệu họ có thái độ tích cực tới các vấn đề về môi trường và xã hội. Trong trường hợp nhà cung cấp có thái độ tiêu cực tới chương trình IWAY, có khả năng IKEA không đưa nhà cung cấp đó vào quá trình đánh giá và lựa chọn nhà cung cấp sau này. Trong quá trình giới thiệu chương trình này, IKEA cũng nhấn mạnh đến lợi ích mà các nhà cung cấp sẽ được hưởng lợi khi tham gia vào chương trình này, chẳng hạn như tránh được những khiếu kiện của người tiêu dùng, trở thành đối tác chiến lược của IKEA với những đơn hàng lớn hơn… Cùng với việc giới thiệu, IKEA cũng tổ chức đào tạo cho các nhà cung cấp về chương trình này nhằm đảm bảo họ đạt được một mức độ hiểu biết nhất định để thực hiện, duy trì và liên tục cải tiến các tiêu chuẩn IWAY. Cùng với những khóa đào tạo chính thức, các nhân viên bộ phận mua hàng của IKEA cũng thực hiện những khóa đào tạo không chính thức về môi trường và xã hội trong các chuyến thăm thường xuyên của họ đến các cơ sở của nhà cung cấp. 


Mô hình bốn bước – cách thức để nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà cung cấp. Với hơn 1500 nhà cung cấp khác nhau trên 55 lãnh thổ/quốc gia, IKEA phải đối mặt rất lớn về việc chuẩn hóa các nhà cung cấp của mình theo tiêu chuẩn IWAY bởi vì trình độ, quy mô giữa các nhà cung cấp là rất khác nhau. Để giải quyết thách thức này, IKEA đã xây dựng mô hình bốn bước. Mục tiêu chung của mô hình này là dần nâng cao hiệu quả của từng nhà cung cấp theo từng trình độ/quy mô của họ. Ở mức độ 1, IKEA xây dựng một loạt các yêu cầu về môi trường và xã hội mà các nhà cung cấp tiềm năng có thể đáp ứng được, các yêu cầu như không có lao động cưỡng bức, lao động trẻ em hoặc như không sử dụng gỗ từ tự nhiên. Để đạt mức độ 2, các nhà cung cấp phải đảm bảo tuân thủ theo các yêu cầu của IWAY liên quan đến môi trường, điều kiện làm việc và xã hội, và yêu cầu về nguyên liệu gỗ. Khi đạt được mức độ 2, các nhà cung cấp sẽ được đưa lên mức độ 3 và đạt được chứng nhận của IKEA. Chứng nhận này thể hiện được rằng các nhà cung cấp duy trì được các tiêu chuẩn IWAY và có khả năng tiếp tục cải tiến môi trường làm việc ở ba lĩnh vực: môi trường, điều kiện làm việc và xã hội, và yêu cầu về sản phẩm làm từ gỗ. Và nếu nhà cung cấp có khả năng để đảm bảo đạt được các chuẩn toàn cầu như môi trường ISO 14000, thì IKEA sẽ xác nhận nhà cung cấp đã đạt ở mức độ 4. 

Với cách tiếp cận này, IKEA mong muốn rằng các đối tác chiến lược của IKEA đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, điều sẽ giúp IKEA xây dựng được một chuỗi cung ứng bền vững và thân thiện với môi trường hơn. 

Ngày nay rất nhiều tập đoàn đa quốc gia tăng cường hoạt động thuê ngoài sản xuất tại các nước đang phát triển. Cùng với sự phát triển này, quản trị chuỗi cung ứng đã chuyển từ việc chỉ mang tính chất hoạt động (operational perpectives) như giá mua, chất lượng và độ tin cậy nguồn hàng, đến mức độ cao hơn: hoạt động mang tính chiến lược (strategic perpectives) với việc tập trung vào xây dựng mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp chiến lược. Các nhà quản trị đã nhận ra rằng, trách nhiệm xã hội trong toàn bộ chuỗi cung ứng không chỉ dừng lại ở việc tập đoàn đó chịu trách nhiệm về môi trường thân thiện và các điều kiện xã hội, mà còn mở rộng ra tại các nhà cung cấp chiến lược. Hay nói cách khác, nếu các nhà cung cấp chiến lược của mình không thể thực hiện được trách nhiệm xã hội thì toàn bộ chương trình trách nhiệm xã hội của chuỗi cung ứng sẽ không thành công.

Duy Trung

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang