Trẻ bị ngộ độc thuốc tẩy mụn ruồi do việc bảo quản bất cẩn của người lớn

author 14:23 24/07/2023

(VietQ.vn) - Nghỉ hè, bố mẹ phải đi làm, trẻ thường ở nhà với ông bà, người giúp việc hoặc ở nhà một mình. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ ngộ độc các hóa chất tẩy rửa nếu người lớn để bất cẩn.

Thực tế các bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em bị ngộ độc do uống nhầm nước tẩy rửa, dung dịch trong thuốc lá điện tử, thậm chí là thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột… Các loại dung dịch này thường có màu sắc bắt mắt, được người lớn đựng trong chai nước ngọt, nước suối tái sử dụng… Khi để những đồ vật này ở gần tầm tay của trẻ tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc hóa chất cho trẻ, bởi trẻ nhỏ vốn hiếu động, chưa có ý thức, thấy những loại chai lọ màu sắc sặc sỡ hấp dẫn khiến bé tò mò, cầm chơi, thậm chí uống ngay.

Cụ thể, mới đây theo thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh, đơn vị này đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhi 2 tuổi bị ngộ độc thuốc tẩy mụn ruồi do sự bất cẩn của người lớn khi bảo quản hóa chất.

Theo gia đình bé trai 2 tuổi, gia đình bảo quản thuốc tẩy mụn ruồi trong lọ giống lọ men tiêu hóa nên bất cẩn cho trẻ uống nhầm. Sau khi uống khoảng 1-2ml thuốc tẩy mụn ruồi (có chứa thành phần hóa học NatriHydroxit và Kali Hydroxit), trẻ xuất hiện nôn, đau họng, đau miệng, được phụ huynh đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu.

 Trẻ ngộ độc hóa chất ngày càng nhiều cha mẹ nên cẩn trọng. Ảnh: BV Bãi Cháy

Tại thời điểm thăm khám môi lưỡi trẻ nề đỏ. Kết quả nội soi tai mũi họng có tình trạng niêm mạc họng và lưỡi bị bỏng ở mức độ nề đỏ, xung huyết, trợt niêm mạc. Qua khai thác thông tin gia đình và kết quả thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán viêm loét họng miệng cấp sau ngộ độc hóa chất. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành điều trị bằng các biện pháp thải độc. Sau 24h, chỉ số sinh tồn của trẻ ổn định, môi lưỡi còn sưng nề đỏ.

Trước đó bé V.G.B. (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cũng được Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM điều trị trong tình trạng suy hô hấp tím tái phải giúp thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút (bình thường 120 đến 140). Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương các cơ quan gan thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê do ngộ độc hóa chất tẩy rửa.

Thông tin về các trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc hóa chất, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Huyền – Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Mức độ tổn thương nặng hay nhẹ tùy thuộc vào loại hóa chất, liều lượng, nồng độ của hóa chất mà bệnh nhi uống phải, thời gian đến bệnh viện sớm hay muộn. Nguy cơ đầu tiên khi ngộ độc hóa chất là tình trạng bỏng niêm mạc đường tiêu hóa nếu qua đường uống , trẻ nôn dễ bị sặc gây viêm phổi hóa chất có thể tím tái suy hô hấp nguy cơ tử vong cao".

Hậu quả lâu dài có thể gây tổn thương nghiêm trọng có thể gặp là bỏng thực quản, dạ dày gây biến chứng thủng thực quản, thủng dạ dày, chảy máu dạ dày có thể bị hẹp thực quản khó nuốt, hẹp môn vị, suy giảm chức năng gan, thận… Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, các phương pháp can thiệp xử trí đặc hiệu đối với các trường hợp ngộ độc hóa chất rất khó khăn hơn so với người lớn và thường diễn tiến nghiêm trọng đe dọa tính mạng hơn.”

‏Từ trường hợp trên, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, cha mẹ nên bảo quản các loại thuốc, hóa chất ở những vị trí an toàn, tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ. Nếu cần thiết, cần để trong tủ có khóa cẩn thận để đảm bảo trẻ không thể tiếp xúc với những loại hóa chất này. Lưu ý đựng các hóa chất trong bình chứa riêng, có nhãn ghi chú để tránh gây nhầm lẫn với người lớn và đặt ở nơi kín đáo, xa tầm tay trẻ nhỏ .

‏Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Bộ Quốc phòng, trẻ uống nhầm hóa chất thường có biểu hiện như ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất… Nếu nuốt phải hóa chất có tính ăn mòn, có thể xuất hiện vết bỏng quanh vùng miệng. ‏Ngoài ra, các biểu hiện khác do uống nhầm hóa chất như buồn nôn, nôn, môi lưỡi đỏ hoặc phồng rộp, đau bụng… Trẻ khó thở, nhịp thở nhanh, da tím tái, quan sát thấy cánh mũi phập phồng, co kéo cơ hô hấp ở cổ, có biểu hiện của suy hô hấp. ‏Trường hợp nặng, trẻ có thể bị mất ý thức, hoảng loạn, la khóc, thậm chí rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh.‏

‏Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện ngộ độc nêu trên, cha mẹ cần nhanh chóng xử trí bằng cách trấn an tinh thần của bé và tìm hiểu về loại hóa chất mà bé đã uống nhầm hoặc tiếp xúc.‏ Nếu trẻ còn tỉnh táo, cần cho trẻ uống thật nhiều nước và nhanh chóng gây nôn càng sớm càng tốt để tống ngược chất độc ra ngoài.

Tuy nhiên, đối với trường hợp bị ngộ độc xăng hoặc các hóa chất dễ bay hơi, cha mẹ không được tiến hành gây nôn. Việc này có thể khiến hơi hóa chất tràn vào khí quản, dẫn đến tăng mức độ ngộ độc, có thể gây bỏng. Thay vào đó, có thể dùng bột gạo, sữa, bột mì, nước cháo, lòng trắng trứng gà để cho bé ăn.‏

‏Trường hợp trẻ ngộ độc kim loại nặng như chì, thủy ngân nên cho trẻ ăn lòng trắng trứng và sữa để tạo phản ứng kết tủa nhằm hạn chế chất độc ngấm vào bên trong cơ thể trẻ, bảo vệ thành ruột và niêm mạc dạ dày để ngăn không cho hấp thụ hóa chất.‏

‏Sau khi đã sơ cứu tại chỗ, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ đưa ra phương án điều trị thích hợp như rửa ruột, truyền thuốc giải độc…

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang