Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới

author 05:58 17/05/2024

(VietQ.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 221/TB-VPCP ngày 15/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp với tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kết luận như sau:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và Điều 18 Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (trong đó đã quy định rõ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định phương án can thiệp cụ thể bao gồm: thời điểm, khối lượng, giá vàng, hình thức can thiệp…) và các quy định pháp luật có liên quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ sau:

a) Chủ động triển khai ngay các công cụ, giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn thị trường vàng phù hợp, kịp thời và hiệu quả hơn nữa, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao, bất hợp lý giữa giá vàng trong nước và thế giới, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn, đúng quy định pháp luật; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền phát sinh.

b) Khẩn trương hoàn thiện ban hành kế hoạch thanh tra, chậm nhất ngày 17 tháng 5 năm 2024 phải công bố quyết định thanh tra theo quy định để thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua và bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường, không để chậm trễ hơn nữa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vàng, trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra trong tháng 5 năm 2024.

c) Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, chính thống về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và hoạt động của thị trường vàng để ổn định tâm lý người dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

d) Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các đối tượng chịu tác động trực tiếp theo quy định, tham vấn ý kiến các chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đánh giá tác động và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng và bảo đảm các mục tiêu phát triển thị trường vàng theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật có liên quan.

Ảnh minh họa

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát, kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng, hoàn thành chậm nhất trong quý II năm 2024; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chức năng, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường… tăng cường thực hiện ngay các biện pháp kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao để bình ổn thị trường vàng, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ và các quy định pháp luật khác có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm theo quy định các hành vi vi phạm, nhất là buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định…

5. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn – SJC thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng và pháp luật có liên quan, chủ động thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ

Theo thông tư số 22/2013/TT-BKHCN “Quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường”, loại hàng hóa này chỉ được phép lưu thông khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Tiêu chuẩn áp dụng công bố gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối; yêu cầu kỹ thuật (khối lượng, hàm lượng vàng), mã ký hiệu...

Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng được thực hiện theo hình thức niêm yết giá hay trên bao bì sản phẩm, nhãn hàng hóa hay tài liệu kèm theo. Về ghi nhãn, nội dung ghi gồm tên hàng hóa, mã ký hiệu của nhà sản xuất, ký hiệu sản phẩm, hàm lượng vàng (tuổi vàng), khối lượng vàng...

Các tổ chức, cá nhân chỉ được kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và được đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng trên từng sản phẩm; phải niêm yết công khai tại nơi kinh doanh về tiêu chuẩn công bố áp dụng để khách hàng biết. Họ cũng phải lưu hồ sơ chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ do mình kinh doanh, gồm: Kết quả kiểm tra, thử nghiệm hàm lượng vàng theo tiêu chuẩn công bố; tiêu chuẩn công bố áp dụng; tài liệu, bằng chứng về việc ghi nhãn. Cơ sở kinh doanh phải chịu trách nhiệm và bảo đảm chất lượng vàng bán cho người tiêu dùng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Cụ thể, mức phạt tối thiểu cho hành vi vi phạm trong sử dụng phương tiện đo là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-600.000 đồng, tối đa là 100.000.000 đồng.

Vi phạm về công bố tiêu chuẩn áp dụng và chất lượng hàng hóa có mức phạt tối thiểu là 2.000.000 đồng, mức tối đa đến 5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm. Các vi phạm về nhãn hàng hóa có mức phạt tối thiểu là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng, mức phạt tối đa có thể lên đến 80 triệu đồng, tùy theo hành vi vi phạm cụ thể.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang