Trò chơi dân gian: Mang nét văn hóa truyền thống trở lại với cuộc sống hiện đại

authorTrần Thanh 15:53 17/02/2017

(VietQ.vn) - Bất ngờ, thích thú và hào hứng - đó là cảm nhận của nhiều du khách khi được tham gia các trò chơi dân gian như: Chạy ró, đu tiên, nấu cơm niêu...

Sự kiện: Văn hóa Việt Nam

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 185 thành lập và 20 năm tái lập tỉnh với sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, chương trình thả diều nghệ thuật và các trò chơi dân gian đã làm sống lại một miền “ký ức tuổi thơ” trong lòng người dân và du khách.

Được chờ đợi nhất trong chương trình là cuộc thi diều sáo và trình diễn diều nghệ thuật với sự tham dự của 20 câu lạc bộ Diều các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trong không gian thoáng rộng của khu công viên Nguyễn Văn Cừ (thành phố Bắc Ninh), hàng trăm cánh diều với đủ chủng loại, kiểu dáng do các nghệ nhân, người chơi diều giàu kinh nghiệm trình diễn đã gây ấn tượng mạnh với người dân và du khách. Đặc biệt, 2/3 số diều tham dự chương trình đều là diều sáo - loại diều truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi chiếc có từ 3 đến 5 sáo tùy kích cỡ, tạo hình theo lối truyền thống song được các nghệ nhân trang trí bằng những hoa văn, màu sắc nổi bật, khi bay trên nền trời vô cùng rực rỡ, sinh động. Cùng với đó là tiếng sáo diều trong trẻo, vút cao tạo nên bản hòa tấu của đồng quê thanh bình trong tâm hồn người thưởng thức.

trò chơi dân gian- mang nét văn hóa truyền thống gần hơn với cuộc sống hiện đại

 Sự trở lại của những trò chơi từng được bao thế hệ say mê, yêu thích đã mang nét văn hóa dân gian trở lại với cuộc sống hiện đại, gợi lại hoài niệm về một thành thị xưa cho những thế hệ đi trước, đưa quá khứ lại gần hơn với thế hệ đi sau. 

 Những trò chơi này không chỉ thu hút người bản xứ, mà cả du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú. Thông qua những trò chơi dân gian, họ có cơ hội hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. 
Ở Hà Nội, phố đi bộ cuối tuần cũng tấp nập. Mỗi khi đi đến phố đi bộ Hồ Gươm những ngày cuối tuần, người ta lại nghe thấy tiếng reo hò rộn rã vang vọng cả một góc phố. Điều thú vị ở chỗ, tiếng cười đùa của cả người lớn và trẻ con ấy xuất phát từ niềm vui khi những trò chơi dân gian tưởng như đã “thất truyền”.
 Ngay gần tượng đài Cảm tử nằm ở trung tâm phố đi bộ, cuối tuần nào cũng nô nức tấp nập người tụ tập lại với nhau để chơi ô ăn quan, nhảy dây, cà kheo,… Người biết chơi thì dạy cho người chưa biết, cha mẹ dạy con nhỏ. Bên cạnh đó còn có các tình nguyện viên hướng dẫn tận tình. Cứ như vậy cả góc phố này chưa bao giờ vắng bóng tiếng cười đùa. Chẳng thế mà có người ví von, thiếu khu trò chơi dân gian thì phố đi bộ Hồ Gươm thiếu đi “linh hồn”.
trò chơi dân gian- mang nét văn hóa truyền thống gần hơn với cuộc sống hiện đại

Một du khách Nhật Bản thử sức trong trò chơi kéo co với vai trò người dẫn đầu cả đội.

 
Đằng sau những giây phút giải trí sảng khoái, tràn ngập tiếng cười ấy là cả một câu chuyện đẹp về các bạn trẻ yêu thích văn hóa dân gian thuộc CLB MyHanoi. MyHanoi chỉ có khoảng 50 người, để có thể tổ chức và duy trì những trò chơi dân gian mỗi cuối tuần tại khu phố đi bộ, các bạn trẻ này đã phải nỗ lực rất nhiều. Mỗi ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, các tình nguyện viên luôn phải có mặt từ sáng tới tối tại phố đi bộ Hồ Gươm, tổ chức và hướng dẫn cho mọi người. 
 

trò chơi dân gian- mang nét văn hóa truyền thống gần hơn với cuộc sống hiện đại

“Mặc dù vất vả nhưng rất vui” – Một tình nguyện viên của CLB MyHanoi chia sẻ

 
Giữa những bộn bề và ồn ã của cuộc sống, sự có mặt của những trò chơi dân gian từng bị lãng quên như một “luồng gió mới” thổi mát cho một tuần học tập và làm việc đầy căng thẳng và mệt mỏi.
Nói về ý nghĩa của các trò chơi dân gian được giới trẻ yêu thích hiện nay, Giáo sư Nguyễn Văn Huy, PGD Trung tâm di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Trò chơi dân gian luôn được mọi người hưởng ứng nhiệt tình, không chỉ mang lại những tiếng cười sảng khoái, không khí vui tươi mà còn hướng mọi người đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt trò chơi dân gian chính là cây cầu nối hữu hiệu giúp thế hệ trẻ hiểu biết về những thú chơi và nét đẹp văn hóa của cha ông, từ đó có ý thức giữ gìn, phát huy; đồng thời quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu truyền thống, thân thiện, mến khách đến bạn bè và du khách gần xa.
Rõ ràng, trong đời sống và không gian đương đại, trò chơi dân gian vẫn có chỗ của nó. Việc bảo tồn và cách tân những trò chơi dân gian là một hướng nhìn tích cực đối với sự sống còn của nó trong cuộc sống hiện đại. Cũng sẽ là sự thiếu hụt nếu các bậc phụ huynh chỉ chăm lo cho con cái việc ăn, ở, học hành mà quên đi việc giáo dục nhân cách cho con thông qua các trò chơi dân gian. Vì vậy, để trò chơi dân gian đến được với các em, cần sự quan tâm của cả gia đình, nhà trường và xã hội, mà ở đó nòng cốt là sự truyền dạy của cha mẹ - những người gần gũi và dễ chia sẻ với các em nhất.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang