Trồng thanh long trên đất nhiễm phèn làm giàu gấp 7 lần trồng lúa

author 07:37 08/09/2016

(VietQ.vn) - Trong nông nghiệp đã có nhiều trường hợp nông dân làm giàu thành công từ mô hình cây thanh long thích ứng với đất phèn.

Sự kiện: Làm giàu

Vì đặc tính khắc nghiệt của đất phèn mà ở nhiều nơi, loại đất này trở thành "cơn ác mộng" đối với người nông dân. Ở Việt Nam có khoảng ba triệu hecta đất ở các vùng đồng bằng bị nhiễm mặn và phèn, chiếm khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp (6,9 triệu hecta, 1996) trong đó đất phèn gần hai triệu hecta và đất mặn khoảng một triệu hecta. Việc khai thác phần diện tích này một cách có hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp ngày càng trở nên cấp bách và có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân.


Cải tạo đất phèn, đất nhiễm mặn là vấn đề khó khăn phức tạp đối với các nhà khoa học về cải tạo đất của nước ta và nhiều nước trên thế giới. Trong nông nghiệp cũng đã có nhiều trường hợp đã thành công với mô hình cây trồng thích ứng với đất phèn. 

Theo VOV, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn, gần đây nông dân vùng ngọt hóa Gò Công tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng mô hình trồng cây thanh long thương phẩm trên vùng đất lúa.

Vùng ngọt hóa Gò Công có gần 500 ha cây thanh long, tập trung ở các vùng thường bị nhiễm mặn ven sông, ven biển của huyện Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông. Theo nông dân, cây thanh long rất thích hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước của khu vực này và cho năng suất cao. Với mức giá thanh long (ruột trắng) trên 10.000 đồng/kg, người trồng thanh long có thu nhập khá. Riêng thanh long ruột đỏ bán giá cao, cho lãi cao từ 7 đến 10 lần so với trồng lúa.Ông Nguyễn Thân Duy, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho hay: “Hiện, xã Đồng Sơn có 320 ha thanh long theo 2 khu. Khu Ninh Đồng Ba đã cho trái còn khu Khương Thọ mới trồng 2 năm. Được huyện đầu tư, chuyển đổi khoa học nên cây thanh long phát triển tốt” (theo VOV)

Làm giàu nhờ trồng cây hiếm: Ông Quách Bình bên vườn thanh long. Ảnh Trần Thanh Phong 

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Quách Bình (52 tuổi) đã làm giàu từ trồng thanh long ruột đỏ ngay trên vùng đất phèn mặn.

Theo báo Tiền Phong, khoảng 6 năm trước vùng đất Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, TX.Ngã Năm (Sóc Trăng) lung trũng nhiều, nhiễm phèn mặn, cỏ dại mọc um tùm nên năng suất trồng lúa rất thấp. Nhiều hộ chuyển sang trồng các loại hoa màu nhưng cũng không khá hơn so với lúa.

Với quyết tâm làm giàu, ông Bình đã đến các tỉnh Long An, Tiền Giang tham quan, học hỏi mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư đào đất, bao bờ, xây hệ thống trụ bê tông để trồng 200 gốc thanh long. Thật bất ngờ và phấn khởi, cây nhanh chóng thích nghi với đất phèn mặn, phát triển tốt, không hao hụt trụ nào, khoảng 2 năm sau cho trái sum suê.

Thanh long ruột đỏ thường được thương lái thu mua với giá khá cao, từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, riêng mùa nghịch khoảng 60.000 đồng/kg. “Trồng thanh long hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa. Gia đình tôi trồng 2 công, mỗi năm lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Nếu trồng lúa, mỗi công lời cao lắm chỉ khoảng 2 triệu đồng. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm khoảng 300 trụ thanh long. Ngoài ra đang trồng thử nghiệm 60 trụ thanh long ruột vàng”, ông chia sẻ với báo Tiền Phong.

Từ thành công làm giàu nhờ trồng cây hiếm của ông Bình, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Quới đã mạnh dạn áp dụng, nhân rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ với số lượng lên đến hàng ngàn trụ.

Bầu Đức: Từ cậu bé chăn trâu đứng dậy sau thất bại thành đại gia nghìn tỷ(VietQ.vn) - Đó là câu nói bầu Đức đã khẳng định về những cố gắng suốt cuộc đời không ngừng nghỉ vì khát vọng đổi đời ngày thơ ấu..

Kinh nghiệm làm giàu: Kỹ thuật trồng thanh long trên đất phèn cho năng suất cao

Kinh nghiệm làm giàu từ mô hình cây thanh long rất hữu ích với bà con vùng đất phèn mặn 

Chia sẻ kinh nghiệm của ông Bình (theo báo Tiền Phong)

- Muốn trồng thanh long năng suất cao, cần làm mô đất cao từ 10 - 15 cm, đường kính 60 - 80 cm để cây không bị ngập úng vào mùa mưa. Mô đất được lấy từ đất mặt của ruộng, trộn với phân chuồng (15 - 20 kg) hoặc phân hữu cơ (10 - 15 kg) cho mỗi trụ. Nên chọn những cành thanh long dài (30 - 40 cm), to, khỏe, thẳng, không bị sâu bệnh để trồng. Sau khi cắt cành, nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm rồi mới trồng. Ngoài ra, có thể giâm cành cho đến khi ra rễ và đâm chồi rồi trồng. Mật độ trồng bình quân 100 trụ/công đất, khoảng cách giữa các trụ khoảng 3 m.

- Thanh long ruột đỏ có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới tiêu và khi mùa khô tới thì cây đã đủ lớn, chịu được nhiệt độ cao. Khi trồng, đặt cành xuống đất, mặt phẳng của thân thanh long ôm sát vào trụ, dùng dây ni lông cột cành vào trụ, mỗi trụ đặt 4 cành. Sau khi đặt cành phải tưới nước thường xuyên 2 lần/ngày với lượng nước vừa đủ. Khi cây sinh trưởng, phát triển, tùy theo thời tiết mà tưới nước cho cây, cần chú ý không để quá khô và không quá ẩm, phải khơi thông, thoát nước khi có mưa lớn để tránh gây ngập úng gốc. Thanh long ít bị sâu bệnh nên chi phí thấp hơn so với trồng lúa và hoa màu. Loại này không kén phân, có thể bón phân hữu cơ hoặc phân hóa học, mỗi năm 2 lần. Khi bón phân xới nhẹ xung quanh gốc, bỏ phân cách gốc 15 - 30 cm, cho phân đều khắp tán và dùng rơm rạ, cỏ ủ gốc. Bình quân mỗi trụ thanh long cho 70 - 80 trái, mỗi trái đạt trọng lượng từ 300 gr trở lên.

Kỹ thuật trồng thanh long theo trang Thông tin hội nông dân thành phố Cần Thơ

- Thời vụ trồng:

+ Đối với vùng có điều kiện tưới tiêu tốt: trồng vào khoảng tháng 10-11 dương lịch

+ Đối với vùng thiếu nước tưới: nên trồng vào đầu mùa mưa.

- Mật độ trồng: thích hợp từ 1.200 -1.300 trụ/ha (khoảng 2,8m x 3,0m)

- Tỉa cành: đây là khâu rất quan trọng đối với thanh long kinh doanh, bao gồm 3 giai đoạn như sau:

+ Tỉa đau: sau đợt thu hoạch trái hoặc ngay trước lúc thu đợt trái cuối cùng, tỉa bỏ 2/3 số cành già, cành ốm yếu, sâu bệnh.

+ Tỉa lựa: tỉa thường xuyên trong quá trình chăm sóc, bón phân thúc cho thanh long, lựa bỏ ngay những cành ốm yếu, sâu bệnh.

+ Tỉa sửa cành: khi cây đã cho trái ổn định, trên các cành vẫn tiếp tục mọc cành non, cần tỉa bỏ những cành này để cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
- Tưới nước và tủ gốc:
+ Đối với thanh long trồng ở các vùng khô hạn như Bình Thuận, hoặc trong mùa nắng khi chúng ta xử lý thanh long nghịch vụ thì việc tưới nước và tủ gốc rất quan trọng để giúp thanh long phát triển tốt và cho hiệu quả ra hoa cao khi chong đèn. Tùy theo ẩm độ đất và kết cấu của đất mà cường độ tưới thường từ 3-7 ngày/lần.

- Xử lý ra hoa và chăm sóc trái:

+ Có nhiều biện pháp xử lý ra hoa nghịch vụ nhưng biện pháp thắp đèn là hiệu quả nhất.

+ Thời gian thắp sáng liên tục từ 15-20 đêm tùy theo mùa và điều kiện thời tiết, thời gian thắp đèn từ 7-10 giờ/đêm. Sau khi ngưng thắp đèn 3-5 ngày thì cây ra hoa. Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 52-54 ngày.

+ Trước khi thắp đèn 1 tuần cần phải bón phân đón hoa có tỷ lệ lân và kali cao, khi bắt đầu thắp đèn thì xử lý thêm phân Krista-MKP với liều 100- 200 g/trụ để đạt tỷ lệ ra hoa cao nhất.

- Quy trình bón phân:

Khi thanh long đã vào giai đoạn cho quả (giai đoạn kinh doanh) thì cần bón phân hữu cơ hàng năm với lượng khoảng 10-15kg/trụ/năm.

- Bón thúc như sau:

+ Khi tỉa cành: 0,3-0,5kg (NPK 30-20-5)/trụ + 0,25kg (Nitrabor)/trụ

+ Trước ra hoa (7 ngày trước khi thắp đèn): 0,3-0,5kg (NPK 13-13-20)/ trụ + 0,10kg (Nitrabor)/trụ

+ Sau mỗi lứa quả: 0,15-0,20kg (NPK 15-9-20)/ trụ + 0,05-0,10kg (Nitrabor)/ trụ

* Chú ý: Kết hợp phun MgNO3: 50g/10 lít nước ở giai đoạn tỉa cành để kích thích cành mới mau ra và hạn chế nám cành trong mùa nắng.

Hoàng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang