Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý game online

author 06:28 25/12/2023

(VietQ.vn) - Trung Quốc tiếp tục đưa ra những biện pháp quyết liệt trong việc siết chặt quản lý ngành trò chơi trực tuyến (game online) nhằm giảm tình trạng nghiện game ở thanh thiếu niên, bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ.

Theo Reuters, nhà chức trách Trung Quốc từ lâu lo lắng về tình trạng nghiện game, nghiện internet của giới trẻ. Họ mở những phòng khám kết hợp trị liệu cho những người trẻ nghiện game nhưng không dứt được. 

Việc giới trẻ nghiện game sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực và trí lực. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng việc nghiện chơi game trực tuyến là nguyên nhân khiến tình trạng cận thị ngày càng gia tăng và sức khỏe tâm lý bất lợi của giới trẻ đất nước. 

Do đó, mới đây Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí quốc gia Trung Quốc, cơ quan quản lý game, vừa công bố dự thảo mới nhằm siết chặt trò chơi điện tử. Theo đó, tất cả game trực tuyến phải đặt giới hạn về số tiền người dùng được nạp vào tài khoản. Nhà phát hành game cũng phải bật cảnh báo để nhắc nhở người chơi về những khoản "chi tiêu không hợp lý".

Những ưu đãi làm nhiệm vụ hàng ngày để nhận thưởng cũng bị cấm. Ngay cả phần thưởng khi nạp tiền lần đầu hoặc nạp tiền liên tiếp cũng không được phép. Việc "thổi phồng" giá trị các vật phẩm, đẩy giá mặt hàng trong game lên cao có thể bị xem là phạm pháp. Ngoài ra, nhà phát hành phải đặt "thiết bị kỹ thuật, máy chủ và thiết bị lưu trữ" tại Trung Quốc.

Reuters đánh giá những quy định này giáng một đòn nặng nề vào thị trường game lớn nhất thế giới, vốn có dấu hiệu phục hồi những năm gần đây. Cổ phiếu của Tencent, công ty game hàng đầu, đã giảm 16%, tương đương 46 tỷ USD vốn hóa, sau khi dự luật được công bố. Trong khi đó, giá trị thị trường của NetEase cũng giảm hơn 24%, tương đương 16,4 tỷ USD.

Nikkei Asia dẫn lời một CEO công ty game rằng việc khuyến khích người chơi vào game không còn nhiều ý nghĩa nếu việc nạp tiền bị hạn chế. "Không rõ quy định này chỉ nhắm vào thanh thiếu niên hay áp dụng cho cả người lớn. Sẽ là vấn đề lớn nếu luật được áp dụng cho mọi người", CEO này nói.

Từ năm 2019, Bắc Kinh thông qua luật giới hạn trẻ vị thành niên chơi game, chỉ còn 1,5 tiếng trong tuần và 3 tiếng vào cuối tuần, không được chơi trong khoảng từ 22 giờ tối đến 8 giờ sáng. Luật cũng giới hạn số tiền trẻ vị thành niên có thể bỏ ra để mua vật phẩm ảo trong game, chỉ có thể dao động từ 28 - 57 USD, tùy thuộc độ tuổi.

Ngoài ra, người dưới 18 tuổi phải sử dụng tên thật và số nhận dạng quốc gia để đăng nhập khi chơi game. Các công ty công nghệ, game online như Tencent, NetEase sau đó đã thiết lập các hệ thống xác định trẻ vị thành niên.

Tháng 7/2021, cơ quan quản lý đặt giới hạn nghiêm ngặt với người chơi dưới 18 tuổi. Việc phê duyệt giấy phép cho game mới bị đóng băng trong 8 tháng khi đó do lo ngại hội chứng nghiện game trong giới trẻ. Dù đã kết thúc vào năm 2022, các cơ quan quản lý tiếp tục đưa ra các hạn chế khác khiến đây là năm khó khăn nhất trong lịch sử ngành game Trung Quốc, khi doanh thu lần đầu tiên giảm. Theo hiệp hội Công nghiệp CGIGC, doanh thu nội địa của ngành game nước này hiện tăng 13%, ước đạt 42,6 tỷ USD năm 2023. Tuy nhiên với những quy định mới, kịch bản tương tự 2022 sẽ quay lại. Đây có thể coi là sự đánh đổi về kinh tế lấy sức khỏe và tâm lý của thanh thiếu niên Trung Quốc.

Tại Việt Nam, trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã xây dựng đầy đủ các quy định, theo đó, các doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử phải yêu cầu người chơi đăng ký thông tin cá nhân để xác định độ tuổi và kiểm soát thời gian chơi game. Tuy nhiên, quy định đó có được doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc hay không lại là chuyện khác. Và thực tế cho thấy, lâu nay, các giải pháp kiểm soát này chỉ có trên giấy tờ.

Vì thế, bên cạnh yêu cầu thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong phát hành và quản lý chơi game online của cơ quan chức năng thì gia đình, nhà trường cần giúp đỡ, định hướng cho các bạn trẻ trong việc lựa chọn loại hình game, sử dụng thời gian chơi game hợp lý. Trách nhiệm của gia đình, nhà trường và thầy cô đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi có thể ngăn ngừa các em không đắm chìm vào thế giới game ảo như một dạng bệnh lý.

Đối với những đối tượng thanh niên không còn ngồi trên ghế nhà trường, các cấp chính quyền địa phương, đoàn thanh niên ở cơ sở cần quan tâm tổ chức cho họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng có ích và có giải pháp tuyên truyền tích cực nhằm hạn chế tình trạng nghiện trò chơi điện tử. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành trò chơi điện tử nhằm ngăn chặn và yêu cầu phải tuân thủ quy định về hoạt động quản lý, cung cấp và đối tượng sử dụng dịch vụ game online. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ trò chơi trên mạng của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, để người sử dụng khai thác được những mặt tích cực, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của trò chơi điện tử.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang