Tịch thu lượng lớn đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 16:52 15/07/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình vừa tịch thu hơn 400 sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thái Bình, sau khi nhận được tin báo về việc kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, Đội QLTT số 1 đã phân công công chức thực hiện biện pháp nghiệp vụ, lập phương án và tiến hành kiểm tra đối với Quầy hàng kinh doanh tạp hóa do bà Phạm Thị Hồng Ngọc, địa chỉ: Khu đô thị La Uyên, thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình làm đại diện.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán 416 sản phẩm đồ chơi các loại, trong đó gồm 99 chiếc kiếm nhựa đồ chơi màu đen dài 67cm; 165 chiếc kiếm nhựa đồ chơi màu đen dài 50 cm và 152 chiếc gậy đồ chơi phát sáng dài 53 cm.

Ghi nhận ban đầu cho thấy, toàn bộ số hàng hóa trên không thể hiện thông tin về nguồn gốc xuất xứ trên sản phẩm. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với số hàng hóa trên.

Đội QLTT số 1 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và tịch thu toàn bộ 416 sản phẩm đồ chơi các loại nêu trên.

 Lượng lớn đồ chơi không nguồn gốc bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT Thái Bình

Nói tới đồ chơi không rõ nguồn gốc, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội phân tích, những loại đồ chơi này thường được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài.

Đặc biệt đối với đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn là rất cao nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa giảm giá thành.

Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa nguyên sinh do đó bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu để che đi khuyết điểm của sản phẩm. Dung dịch màu đó không phải là màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, sản phẩm đồ chơi có màu sắc càng sặc sỡ thì mức độ nguy hại càng cao.

Để làm rõ tính chất độc hại của các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trước đó Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đã từng tiến hành kiểm nghiệm đối với một số mẫu đèn lồng nhựa không rõ xuất xứ bán trên thị trường. Kết quả cho thấy, lượng muối cadimi (Cd) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép.

Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng. Người kinh doanh, buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP) còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng - 100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

Theo Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”, kể từ ngày 15-4-2010, tất cả các loại đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các mặt hàng đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hay đồ chơi bạo lực lưu thông trên thị trường.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang