Trường hợp nào được ủy quyền đăng ký sở hữu công nghiệp?

author 11:11 07/02/2021

(VietQ.vn) - Chỉ có tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định tại điều khoản này mới được hoạt động đại diện dưới hình thức kinh doanh dịch vụ

Theo phản ánh của bà Trương Mỹ Thiên (TPHCM), vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ ban hành thông báo số 13822/TB-SHTT về việc áp dụng các quy định liên quan đến người có tư cách pháp lý ký các tài liệu với danh nghĩa là đại diện của chủ đơn trong thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp và các thủ tục có liên quan.

Theo đó, đối với trường hợp chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam thì người có tư cách đại diện theo ủy quyền cho cá nhân để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền là: Cá nhân, tổ chức hoặc tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp (Điểm 3.2.a.(i) Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, Điều 138 Bộ luật Dân sự)

Chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam có thể ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác không phải là tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền.

Tuy nhiên, theo Điểm a Khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ, việc “đại diện cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về xác lập và bảo đảm thực thi quyền sở hữu công nghiệp” là thuộc phạm vi của “dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp”. Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì hành vi “Kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp khi không đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (mức phạt này là đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức là gấp đôi).

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa trả lời thắc mắc về quy định ủy quyền đăng ký sở hữu công nghiệp. Ảnh minh họa

Như vậy, quy định trường hợp chủ đơn là cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam có quyền ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác (ngoài tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp) để thực hiện thủ tục đăng ký xác lập quyền theo hướng dẫn tại Thông báo số 13822/TB-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ là chưa rõ ràng và có thể xung đột với Điểm a Khoản 1 Điều 151 Luật Sở hữu trí tuệ, Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

Do vậy, bà Thiên kiến nghị Cục Sở hữu trí tuệ cần nêu cụ thể các trường hợp nào thì cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam được ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác không phải tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp phù hợp với quy định pháp luật sở hữu trí tuệ và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Về vấn đề này, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trả lời cụ thể: Đại diện theo ủy quyền cho cá nhân, bất kể là cá nhân Việt Nam hay cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Chương IX Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Tuy nhiên hoạt động đại diện trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp phải tuân theo các quy định tại Điều 154 Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó, chỉ có Tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp đáp ứng các điều kiện quy định tại điều khoản này mới được hoạt động đại diện dưới hình thức kinh doanh dịch vụ.

Các tổ chức không có chức năng hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp chỉ được phép đại diện với tư cách người có quyền và lợi ích liên quan (ví dụ tổ chức là đồng chủ đơn có quyền đại diện cho các đồng chủ đơn khác). Cá nhân không được cấp Thẻ đại diện sở hữu công nghiệp sẽ không được kinh doanh dịch vụ đại diện mà chỉ được thực hiện công việc đại diện theo ủy quyền không nhằm mục đích lợi nhuận.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang