Cấp chứng nhận phân bón ‘khống’: Một phó giám đốc bị truy tố

authorThanh Uyên 11:41 12/01/2016

(VietQ.vn) - Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia đã cấp khống giấy chứng nhận chất lượng cho hàng trăm mẫu phân bón.

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

Truy tố PGĐ Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vì cấp chứng nhận chất lượng ‘khống’

Cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng phân bón tại doanh nghiệp

Theo đó, ngày 11/1, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Phạm Trung Hòa (SN 1972), nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia (TTKNPB), thuộc Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Liên quan vụ án còn có 2 cựu cán bộ dưới quyền của ông Hòa bị đề nghị truy tố về cùng tội danh, gồm: Vũ Tuấn Linh (SN 1975), nguyên Phó Trưởng phòng Khảo nghiệm phân bón và Phan Thị Quỳnh Hương (SN 1968), nguyên cán bộ thuộc trung tâm này. 

Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia trực thuộc Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT được thành lập từ 2012. Trung tâm này được chỉ định hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận hợp quy chất lượng phân bón.

Từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2014, Trung tâm KNPB đã ký hơn 90 hợp đồng chứng nhận chất lượng hợp quy phân bốn với các khách hàng là doanh nghiệp cho hơn 900 sản phẩm và đã cấp gần 800 giấy chứng nhận hợp quy cho khách hàng. Qua đó đã thu hơn 1,5 tỉ đồng trong tổng số hợp đồng đã ký là hơn 1,8 tỉ đồng.

Trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận hợp quy phân bón, 3 bị can nêu trên đã không thực hiện đúng theo quy định về trình tự, thủ tục khảo nghiệm phân bón nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận để thu tiền.

Cụ thể, 3 bị can đã không tiến hành lấy mẫu, không đánh giá sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đối với 7 loại sản phẩm phân bón, trong đó có 6 sản phẩm của Công ty Phân bón Sông Lam, 1 sản phẩm của Công ty Sinh hóa FPC nhưng vẫn lập khống hồ sơ lấy mẫu, biên bản kiểm tra đánh giá và liên hệ với các đối tượng thuộc phòng nghiên cứu khoa học đất để lập khống nhiều phiếu kết quả phân tích, thử nghiệm.

Trong đó có 5 sản phẩm của Công ty Ban Mai, 6 sản phẩm của Công ty Phân bón Sông Lam. Đồng thời sử dụng hơn 150 phiếu kết quả phân tích của Trung tâm Nghiên cứu đất phân bón và môi trường phía nam, Đơn vị chưa được chỉ định công nhân là phòng kiểm nghiệm phân bón để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận hợp quy…

Ngoài ra, trong số hơn 90 bộ hợp đồng chứng nhận hợp quy đã thực hiện còn có gần 20 bộ hồ sơ hợp đồng chứng nhận hợp quy không có biên bản lấy mẫu và biên bản kiểm tra sản phẩm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật.

Đáng chú ý, quá trình điều tra phát hiện, trong số 815 sản phẩm phân bón được trung tâm này cấp chứng nhận có tới 111 sản phẩm không nằm trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, các bị can còn áp các tiêu chí đánh giá đối với phân bón sản xuất trong nước để chứng nhận chất lượng cho phân bón nhập khẩu đối với hơn 530 sản phẩm. 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang