Truy xuất nguồn gốc góp phần giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại Hà Nội

author 16:10 13/11/2023

(VietQ.vn) - Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội, để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm cần rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người… Trong đó, cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã tăng cường triển khai quyết liệt việc kiểm soát an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là tại các bếp ăn trường học. Trong đó, công tác kiểm soát, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào được đẩy mạnh.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội, từ đầu năm 2022 đến nay, các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm đã kiểm tra 215 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt là 182 cơ sở (chiếm tỷ lệ 84,7%). Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc tại bếp ăn tập thể của 75 trường trên địa bàn 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì, Long Biên.

Qua kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.Hà Nội đánh giá, đa số các trường đều chấp hành tốt quy định về an toàn thực phẩm, ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Hà Nôi đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc để giảm nguy cơ ngộ độc, nhất là bếp ăn tập thể trong trường học. Ảnh: SK&ĐS

Cụ thể, các trường chưa thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm tra giám sát định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả) chưa chứng minh được nguồn gốc đến địa chỉ trồng trọt. Nguồn gốc thực phẩm chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ.

Mặt khác, do không có đủ nhân sự nên người giao hàng không phải người đã có hợp đồng lao động hoặc người của đơn vị cung cấp thực phẩm mà chủ yếu là lái xe thuê hoặc xe ôm được cơ sở thuê thời vụ. Hầu hết đơn vị cung cấp thực phẩm là đơn vị trung gian và chưa có phiếu giao nhận hay sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.

Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp.

Đặc biệt, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người… Trong đó, cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm, mới đây Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Kế hoạch nêu rõ quan điểm bảo đảm an ninh, chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì ổn định nguồn cung thực phẩm nông sản có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người dân. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền thuộc thành phố, là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.

Bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn quốc gia và quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Cùng với đó, huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản.

Hà Nội cũng sẽ tập trung nguồn lực để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm. Tiếp tục hoàn thiện, tham mưu HĐND thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, đổi mới, chuẩn hóa, đẩy mạnh áp dụng biện pháp quản lý tiên tiến phù hợp tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản để duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi nhân dân. Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang