Chuyển đổi quy trình canh tác bền vững, truy xuất nguồn gốc rõ ràng sản phẩm gia vị Việt

author 05:09 04/11/2023

(VietQ.vn) - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, việc chuyển đổi quy trình canh tác bền vững, truy xuất nguồn gốc rõ ràng sản phẩm gia vị là yêu cầu tất yếu.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, gia vị là một trong những thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Hiện nay Việt Nam có trên 1.000 loại gia vị khác nhau, trong đó có những loại rất đặc trưng, độc đáo mà không quốc gia nào có. Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho gia vị Việt trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu hay ngành chế biến mà thậm chí còn là một nền kinh tế gia vị.

Thời gian qua, các doanh nghiệp gia vị Việt Nam ngày càng chú ý hơn tới sản xuất công nghiệp, dẫn tới sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các doanh nghiệp Việt với các công ty đa quốc gia và các sản phẩm ngoại nhập.

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã đầu tư dây chuyền để tham gia cuộc đua tranh mới. Bên cạnh những sản phẩm gia vị nêm nếm như nước chấm, hạt nêm, bột ngọt không còn nhiều khả năng phát triển chủng loại, các nhà sản xuất quay sang cạnh tranh về thị phần gia vị ướp và chấm. Để làm phong phú cho hàng hóa của mình, các hãng chọn cách đơn giản nhất là cung cấp nhiều dạng đóng gói để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn theo nhu cầu. Theo đó, gia vị bây giờ không chỉ là dạng bột, mà còn có dạng viên nén, sốt sệt... với giá từ vài nghìn đồng, đến vài chục nghìn đồng nhằm mở rộng đối tượng khách hàng từ bình dân đến cao cấp.

 Hiện nay Việt Nam có khoảng 1000 loại gia vị nhưng để có thương hiệu trên thị trường thế giới cần đảm bảo truy xuất nguồn gốc để phát triển bền vững. Ảnh inh họa

Theo bà Vũ Kim Hạnh, gia vị Việt khá tự tin khi đi vào những thị trường mới với tiêu chuẩn đặc biệt của tôn giáo, của địa phương. Tuy vậy, không chỉ có gia vị mà hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam hiện chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới, vì thế giá bán chưa thể tương xứng với giá trị. 

Thông tin thêm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam có tiềm năng lớn sản xuất các loại gia vị như quế, hồi, các loại rau gia vị đặc trưng cho ẩm thực Á Châu. Bên cạnh các thị trường trọng điểm, thị trường với nhiều cộng đồng cư dân châu Á sinh sống cũng là hướng đi mới với tệp khách hàng tiềm năng trong tiêu dùng các sản phẩm đặc sản nhiệt đới và sản phẩm gia vị.

Nhiều mặt hàng gia vị của Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Riêng đối với cây quế, diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 171.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu... Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, đạt 46.000 tấn, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, sản lượng hàng năm ước khoảng 20.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha...

Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm…

Nhận định về xu hướng thị trường gia vị thế giới để định hướng sản xuất tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bách, đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, xu hướng tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường và hành vi tiêu dùng đã có sự điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, đảm bảo chất lượng theo yêu cầu thị trường và cuối cùng là ứng dụng nền tảng số, công nghệ vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, sản phẩm gia vị cũng cần bảo đảm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó việc chuyển đổi quy trình canh tác bền vững, truy xuất nguồn gốc rõ ràng là yêu cầu tất yếu để xây dựng chiến lược phát triển ngành gia vị bền vững, cạnh tranh toàn cầu.

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết, châu Âu là một trong những khu vực nhập khẩu gia vị và hương liệu hàng đầu, chiếm khoảng 1/4 tổng lượng nhập khẩu của thế giới. Nhập khẩu gia vị và hương liệu năm 2021 đạt khoảng 2,83 tỷ euro. Trong đó riêng nhập khẩu từ các nước đang phát triển đạt 1,8 tỷ euro và chiếm 60% lượng nhập khẩu của châu Âu giai đoạn 2019-2021 tăng 9%/năm.

Theo ông Công, người tiêu dùng EU đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại gia vị được sản xuất bền vững, nguồn gốc mới, có lợi ích sức khỏe của gia vị và việc sử dụng gia vị, hương liệu trong ẩm thực quốc tế là những xu hướng hàng đầu tại đây. Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này lưu ý một số yêu cầu như kiểm soát chặt chẽ về chất độc hại, chất gây dị ứng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nhiệt, kiểm dịch thực vật, chứng nhận an toàn thực phẩm, chuỗi cung ứng minh bạch...

Đối với một thị trường trọng điểm khác của gia vị Việt Nam, ông Phạm Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ nhu cầu về gia vị của thị trường này đang ngày càng tăng cao do nhu cầu tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, để tăng thị phần gia vị Việt Nam tại thị trường này cũng như đưa Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn trong chuỗi cung ứng gia vị toàn cầu, ông Huy cho rằng bên cạnh các sản phẩm thô, cần đa dạng hóa sản phẩm gia vị phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... Riêng với ẩm thực, có thể tăng độ nhận diện của các loại gia vị bằng cách kết hợp cùng nước mắm bên cạnh các món ăn như phở, nem vốn đã phổ biến và được ưa thích tại thị trường trăm triệu dân này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang