Truy xuất nguồn gốc nông sản: Cần minh mạch và hướng tới đẩy mạnh số hóa

author 06:16 07/04/2023

(VietQ.vn) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, truy xuất nguồn gốc nông sản là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số của ngành do đó cần có hành lang pháp lý và tính minh bạch.

Truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm hiện nay đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng. Họ cũng đã đánh giá và cho thấy những lợi ích, hiệu quả đáng kể khi ứng dụng.

Tuy nhiên, đối với nông dân quy mô nhỏ, đặc biệt là nông dân sản xuất các sản phẩm làm vườn và thực phẩm tươi sống khác, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc có thể là rào cản đối với thương mại. Nhưng đánh giá chung với các doanh nghiệp kinh doanh lớn thì truy xuất nguồn gốc là yếu tố góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển hiện nay. Áp dụng truy xuất nguồn gốc không phải là một sự lựa chọn mà là nhu cầu bắt buộc đối với ngành nông sản và thực phẩm. Tuy nhiên một thực tế cho thấy việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay vẫn chưa thống nhất, thiếu tiêu chuẩn minh bạch. 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1. Đây là các dữ liệu cấu thành của ngành nông nghiệp. Theo đó, việc truy xuất nguồn gốc phải thực hiện một cách tổng thể để có thể bao quát được dữ liệu khổng lồ.

Theo đó, vai trò của quản lý nhà nước là phục vụ và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế qua đó nâng cao tính minh bạch của các ngành hàng nông sản, đem lại quyền lợi cho nông dân với tư cách là người sản xuất.

 Truy xuất nguồn gốc nông sản cần minh bạch và hướng tới đẩy mạnh số hóa. Ảnh minh họa

Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đề nghị, cần có các cơ chế, và hành lang pháp lý tạo điều kiện để làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu. Bên cạnh đó, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình trong chuỗi giá trị nông sản.

Xây dựng truy xuất nguồn gốc để nâng cao tính minh bạch và giải trình của 1 ngành hàng, sản phẩm nông sản của 1 doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích của nông dân (người trực tiếp sản xuất). Những điều này hướng đến việc truy xuất nguồn gốc hay hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà phải trở thành trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của nền nông nghiệp.

Còn về phía người tiêu dùng nhiều người cho rằng, việc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp là cần thiết và phải làm ngay. Vì hiện tại, nhiều sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam được sản xuất tại Việt Nam nhưng chính nông dân đã trà trộn nông sản Trung Quốc để bán và lấy mác là nông sản Việt Nam. Rau, củ ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị phanh phui là một ví dụ điển hình.

Người tiêu dùng cần truy xuất còn người nông dân/người sản xuất cần trung thực, tránh tình trạng nhập sản phẩm từ nơi khác về nhưng lại nói là do nông dân bản địa trồng, sản xuất để bán kiếm lời. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng chế tài xử lý đối với người buôn bán, kinh doanh lợi dụng nông sản Việt, bán nông sản không nguồn gốc như tình trạng ở Đà Lạt để lành mạnh hóa thị trường, để người nông dân cần phải có trách nhiệm xã hội với sản phẩm mình làm ra và chính là đảm bảo quyền lợi cho nông dân sản xuất.

Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều người lầm tưởng rằng nông sản có dãn mã QR trên bao bì là đã được truy xuất nguồn gốc. Thực tế, quét mã QR chỉ dẫn người tiêu dùng đọc trang web giới thiệu về sản phẩm. Truy xuất nguồn gốc thực sự đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ số liên thông trên toàn chuỗi sản xuất của mỗi sản phẩm...

Theo ông Vũ Việt Chiến, Tổng giám đốc Công ty giải pháp và công nghệ Sao Việt, chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội, nhà khoa học đưa ra những giải pháp mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn nên chưa đạt được hiệu quả cao nhất cho toàn xã hội.

“Chất lượng của các hệ thống chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc đang được triển khai đã thực sự hiệu quả, hợp lý hay chưa? Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quy định khung thế nào để hạn chế những ý tưởng, giải pháp không có cơ sở, gây lãng phí nguồn lực xã hội?”, ông Chiến nêu câu hỏi.

Bổ sung thêm, ông Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho rằng, hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở cửa một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn hợp tác xã, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang