Tương lai tiêu chuẩn hóa hình thành từ những thay đổi của xã hội

author 06:23 07/10/2022

(VietQ.vn) - Sự thay đổi trong kỳ vọng của xã hội chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn hóa ngày nay. Trong một thế giới đang thay đổi, các tiêu chuẩn cần phải theo kịp nếu muốn tiếp tục đáp ứng nhu cầu của xã hội và hỗ trợ tương lai bền vững hơn.

Những thay đổi của xã hội hình thành tương lai chúng ta

Mặc dù tốc độ phát triển của thế giới có lẽ không nhanh như chúng ta nghĩ, nhưng chúng ta đang sống ở một nơi có vẻ khá khác biệt so với chỉ vài năm trước đây. Con người đông đảo hơn, toàn cầu hơn và có thể đưa ra nhiều quyết định mua hàng phức tạp hơn. Chúng ta mong muốn những doanh nghiệp hành động có trách nhiệm, những nhà lãnh đạo trung thực và một hành tinh xanh hơn. Chúng ta muốn có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với số phận của mình, nhưng không đánh mất đi sự riêng tư.

Xã hội đang ngày càng già hóa, con người cũng không trẻ hơn được. Đến năm 2050, dự kiến ​​số người từ 65 tuổi trở lên sẽ tăng gấp đôi lên 1,5 tỷ và tăng lên chiếm 16% dân số. [1] Điều này sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức hoạt động của xã hội, các nền kinh tế và làm đảo lộn sự cân bằng của lực lượng lao động. Làm thế nào để người lớn tuổi tìm thấy sự thỏa mãn, họ nghỉ hưu ở độ tuổi nào và chất lượng cuộc sống của họ sau khi nghỉ hưu là những vấn đề tương đối mới nhưng lại rất quan trọng.

Dân số già là vấn đề thực tế và đang gia tăng đối với nhiều quốc gia và các nhà cung cấp dịch vụ cộng đồng vì chúng đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, khả năng tiếp cận và an toàn. Trong khi đó, thế hệ trẻ nhận thức được rằng một ngày nào đó họ sẽ phải gánh vác sức nặng của thế giới, do đó đang thúc đẩy một thế giới tốt đẹp hơn. Một nơi mà các chính phủ đặt con người lên trên hết và lối sống của chúng ta là lối sống bền vững.

Xu thế chuyển đến sống ở những thành phố lớn

Con người liên tục di chuyển, hầu hết là chuyển đến sống tại các khu đô thị lớn hơn. Với số lượng cư dân thành phố tăng vọt từ 751 triệu người năm 1950 lên 4,2 tỷ người vào năm 2018 và dự kiến đạt 6,7 tỷ người vào năm 2050 [2], việc đáp ứng nhu cầu của các đô thị hiện tại và dự đoán những nhu cầu của tương lai là thách thức không hề nhỏ.

Các thành phố cần có hoạch định trước để cung cấp nguồn lực và dịch vụ cần thiết cho cư dân của mình tồn tại và phát triển. Vấn đề giao thông công cộng, cơ sở vật chất, cấp thoát nước, vệ sinh, năng lượng, lương thực và an ninh chỉ là một trong số những áp lực sẽ còn tiếp tục bị thách thức bởi quá trình đô thị hoá ngày càng gia tăng. Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.

Trong thế giới đang thay đổi, các tiêu chuẩn cần theo kịp nếu muốn tiếp tục đáp ứng nhu cầu của xã hội và hỗ trợ tương lai bền vững hơn. (ảnh minh họa) 

Mọi người mua sắm nhiều hơn, theo cách thức khác biệt. Hành vi của người tiêu dùng đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây, nó được thúc đẩy bởi sự gia tăng về lựa chọn cả đối với sản phẩm mua và cách thức mua. Chuỗi cung ứng vô cùng phức tạp đã làm nảy sinh những lo ngại của người tiêu dùng về việc tiền của họ sẽ đi đâu và họ sẽ nhận được gì. Tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc, dịch vụ được cá nhân hóa và trải nghiệm được kết nối chỉ là một số trong số những gì người tiêu dùng mong đợi [3]. Ngày nay, người mua có nhiều khả năng thay đổi việc lựa chọn thương hiệu hơn, để tìm một giao dịch tốt hơn hoặc phù hợp hơn với các giá trị thương hiệu.

Chủ tịch Ban Chính sách về người tiêu dùng của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO (COPOLCO), bà Sadie Dainton cho rằng: Người tiêu dùng là đối tác quan trọng giúp thúc đẩy tác động bền vững vào chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức được rằng các quyết định mua hàng và phong cách sống của cá nhân họ có tác động chung toàn cầu và điều này thúc đẩy nhu cầu về các công cụ để có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt, như một hành động trong số nhiều hành động tạo ra sự thay đổi.

Vai trò của tiêu chuẩn trong việc hỗ trợ điều này chưa bao giờ rõ ràng hơn thế. Sự bùng nổ của mạng xã hội, các nền tảng chia sẻ và đánh giá trực tuyến đã tạo điều kiện cho xu hướng này và tạo ra những ý tưởng mới cho các đề xuất tiêu chuẩn mới cùng việc thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững. Nhu cầu hiểu về khách hàng trước đây và hiện tại vẫn luôn đúng, cùng với hành vi thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng ngày nay, các tiêu chuẩn cần phải đi trước đón đầu.

Kỳ vọng mới sẽ đòi hỏi những tiêu chuẩn mới

Việc thành lập một ban kỹ thuật tiêu chuẩn mới để nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn cho nền kinh tế chia sẻ là một ví dụ điển hình. Là một trong những lĩnh vực kinh tế phát triển nhanh nhất hiện nay, nền kinh tế chia sẻ đang thay đổi hành trình của người tiêu dùng truyền thống. Với hàng nghìn nền tảng khác nhau dành riêng cho mục đích, cách tiếp cận hợp tác này, ít nhất một phần bắt nguồn từ mong muốn tạo lập các cộng đồng và giảm tiêu dùng quá mức.

Điều này đang trao quyền cho người tiêu dùng nhiều hơn bao giờ hết và giúp họ chịu trách nhiệm về cách tìm kiếm, mua hàng, trải nghiệm, đánh giá sản phẩm cũng như bao gồm mọi thứ, từ ô tô, quần áo đến nhà ở và khách sạn. Mặc dù đây là tin tuyệt vời đối với người tiêu dùng, nhưng nó không phải là không có những thách thức nhất định như các vấn đề về quyền riêng tư, sự tin tưởng, mức độ tin cậy, điều kiện làm việc và hơn thế nữa.

Ban kỹ thuật ISO/TC 324, Kinh tế chia sẻ, được thành lập để giải quyết những vấn đề này và cho phép ngành công nghiệp phát huy hết tiềm năng gia tăng giá trị của nó. Trưởng ban kỹ thuật, ông Masaaki Mochimaru tin rằng các tiêu chuẩn có thể vừa làm nổi bật khía cạnh tích cực của nền kinh tế chia sẻ vừa giảm thiểu rủi ro và các vấn đề có thể nảy sinh.

Ông cho rằng: “Một trong những lợi ích chính của mô hình kinh doanh mới này đối với một tổ chức là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực chưa sử dụng. Tuy nhiên, ở mặt trái, có những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, an toàn, bảo mật và các vấn đề khác như bảo vệ người lao động và quản lý các nền tảng. Đây là tất cả các khu vực mà các tiêu chuẩn có thể trợ giúp”.

Tiêu chuẩn kêu gọi sự tham gia của người tiêu dùng

Nhu cầu ngày càng tăng đối với tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đó cũng là những yếu tố chính của sự lựa chọn thông minh của người tiêu dùng. Một lần nữa, tiêu chuẩn có thể cung cấp một số trình tự và phương pháp luận, tạo niềm tin rằng các sản phẩm và dịch vụ đúng như những gì được tuyên bố. Các tiêu chuẩn bao gồm đánh giá trực tuyến, ghi nhãn và công bố, nếu được tuân thủ đúng, sẽ giảm nguy cơ thông tin sai lệch và giúp cho thông tin cung cấp đến người tiêu dùng đáng tin cậy, chính xác, có đạo đức và có thể kiểm chứng được.

Thư ký COPOLCO, Tiến sỹ Cristina Draghici cho biết thêm: Tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang diễn ra và gần đây là đại dịch COVID-19 khiến nhiều vấn đề trong số này trở nên nhẹ nhàng hơn và khả năng sẽ tiếp tục diễn biến như vậy trong thập kỷ tới. Bà nói: “Ưu việt của hệ thống ISO là khả năng tập hợp tất cả các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng, những người có nhiều kinh nghiệm, kiến ​​thức và quan điểm hình thành giải pháp và thực tiễn tốt nhất được thống nhất chung”.

Bà Draghici cũng tin rằng cần có nhiều sự tham gia hơn nữa của các nước đang phát triển trong vòng 10 năm tới, đặc biệt là từ người tiêu dùng trẻ tuổi, những người sẽ có tác động lớn trong việc đạt tới con số phát thải bằng 0. Điều này sẽ tạo ra nhu cầu mới dẫn đến những thay đổi thực sự tạo ra sự khác biệt.

Học hỏi từ những đột phá

Điều này có ý nghĩa gì đối với ISO? Với sự thay đổi nhân khẩu học của thế giới, quá trình đô thị hóa ngày càng tăng và tác động của sự nóng lên toàn cầu, tương lai của chúng ta chắc chắn sẽ khó khăn. Bức tranh vốn dĩ phức tạp này có nghĩa là sự thay đổi trọng tâm đối với nhân loại trong khi con người phải học cách thông tuệ hơn, nhanh nhẹn hơn và thích nghi với môi trường thay đổi liên tục. Đây không phải hành động có ý nghĩa và là một mệnh lệnh đủ mạnh khi đề ra kế hoạch chiến lược của tổ chức trong năm tới, chứ chưa nói đến cho thập kỷ tiếp theo.

Sự thay đổi kỳ vọng của xã hội chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách thức hoạt động hiện nay của ISO và cách thức hoạt động vào năm 2030, để đảm bảo tiêu chuẩn hóa có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội. Điều này bao gồm mong muốn về sự minh bạch hơn và sự tham gia nhiều hơn của tất cả những người mà các tiêu chuẩn có tác động, điều này chưa bao giờ mạnh mẽ đến như vậy. Đáp lại, ISO đã tăng cường hợp tác - và sẽ tiếp tục làm như vậy với các tổ chức khác như hiệp hội ngành nghề và các cơ quan tiêu chuẩn khác.

Lấy COPOLCO làm ví dụ. “Phạm vi của chúng tôi đã mở rộng, sự hợp tác của chúng tôi với các tổ chức khác chưa bao giờ tích cực hơn thế”, Tiến sĩ Draghici nhấn mạnh.

“Ví dụ, chúng tôi đã tăng cường quan hệ với Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển, để nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo tiêu chuẩn đó tuân thủ và đóng góp vào nhiều mục tiêu trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc”.

Tất cả các ý kiến đều được lắng nghe

Ngày càng có nhiều sự thúc đẩy đối với việc đưa các quan điểm có ý nghĩa vào quá trình tiêu chuẩn hóa. Ví dụ, người dùng tiêu chuẩn đang có tiếng nói hơn bao giờ hết. Điều này thể hiện dưới các hình thức khác nhau, như minh họa chính là công việc hiện đang được tiến hành với ISO 9001, tiêu chuẩn ISO về hệ thống quản lý chất lượng rất được hoan nghênh và là một trong những Tiêu chuẩn quốc tế được thiết lập và sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

Trong quá trình chuẩn bị rà soát 5 năm, ủy ban kỹ thuật chịu trách nhiệm về ISO 9001 đã quyết định xem xét vượt ra ngoài nhóm chuyên gia thông thường của mình để xem điều gì là quan trọng nhất đối với người dùng hiện tại và tiềm năng. Để làm được điều này, vào năm 2020 họ đã khởi động một cuộc khảo sát trực tuyến quốc tế bằng 14 ngôn ngữ khác nhau kéo dài trong vài tháng. Kết quả là không có nhu cầu soát xét, sửa đổi tiêu chuẩn và phiên bản mới nhất của ISO 9001 vẫn còn nguyên giá trị cho những người áp dụng tiêu chuẩn.

Thúc đẩy sự đa dạng hơn trong tư duy bao hàm nhu cầu lắng nghe tiếng nói của mọi người thuộc mọi giới tính, chủng tộc và tín ngưỡng tôn giáo. Ví dụ, bình đẳng giới là động lực chuyển đổi trong xã hội, được xác định là mục tiêu của nhiều cơ quan và sáng kiến, đặc biệt là SDG 5 của Liên Hợp Quốc, hoạt động hướng tới việc trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Nhận thấy sự đóng góp mạnh mẽ của Tiêu chuẩn quốc tế đối với các vấn đề về giới, ISO đã bắt tay vào dự án đầy tham vọng nhằm đánh giá và nâng cao hiểu biết của mình về đại diện giới trong ISO, ý nghĩa giới của các tiêu chuẩn và để đảm bảo rằng các hoạt động của ISO bao gồm quan điểm mạnh mẽ về giới.

Tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường

Mặc dù nội dung và sự tham gia là yếu tố chính, nhưng nhu cầu về tiêu chuẩn cũng quan trọng không kém. Khi thế giới phát triển, việc xây dựng tiêu chuẩn cần phải bắt kịp đà. Do đó, việc cải thiện và đẩy nhanh tất cả quy trình, bao gồm cả việc tận dụng khả năng biên soạn một tiêu chuẩn hoàn toàn trực tuyến đang được tiến hành. Điều này có nghĩa là một quy trình xây dựng tiêu chuẩn ảo mới không có các cuộc họp trực tiếp hay cấu trúc ủy ban tiêu chuẩn truyền thống, thời gian có khả năng nhanh hơn nhiều và tiết kiệm chi phí hơn mà không ảnh hưởng đến chất lượng tiêu chuẩn.

Bước phản ứng này đã được chứng minh một cách độc đáo vào tháng 3 năm 2020 khi COVID-19 ập đến khiến cho việc di chuyến trở nên bế tắc. Không còn có thể tổ chức các cuộc họp ban kỹ thuật trực tiếp, ISO đưa các tiêu chuẩn lên thế giới hoàn toàn trực tuyến, theo đúng nghĩa chỉ sau một đêm. Hơn 2.000 cuộc họp trực tiếp được lên kế hoạch từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 8 đã nhanh chóng chuyển sang cuộc họp trực tuyến.

Nhận thấy rằng cách thức làm việc mới này có thể cần thiết trong thời gian tới, ISO đã thiết lập một công cụ trực tuyến cho phép các ban kỹ thuật dễ dàng lập kế hoạch cho các cuộc họp ảo, có tính đến chênh lệch múi giờ và vị trí địa lý. Phản hồi của các thành viên ban kỹ thuật chưa bao giờ tích cực hơn, với lý do là các cuộc họp hiệu quả và năng suất hơn với sự tham gia đông đảo hơn. Cộng đồng tiêu chuẩn cũng chúc mừng ISO về sự nhanh nhạy trong việc đáp ứng những nhu cầu tức thời nhất.

Tuy vậy đây mới chỉ là điểm khởi đầu và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đó là lý do tại sao Chiến lược ISO đến 2030 là tài liệu động, sống và linh hoạt phát triển nhờ thông tin đầu vào từ những người mà nó phục vụ, đó là các thành viên, người dùng tiêu chuẩn và toàn thế giới nói chung. Những bức ảnh đen trắng cũ với những người đàn ông nghiêm túc trong bộ vest đã được lưu giữ cẩn thận trên gác mái, để dành không gian cho tuổi trẻ, năng lượng, sự năng động và hy vọng. Lịch sử đã được thay thế bằng một câu chuyện mới - một câu chuyện mà cả thế giới sẽ cùng nhau viết nên.

Nguồn tham khảo và viện dẫn:

ISO News và

[1] World Population Ageing 2019 – Highlights, United Nations: New York, 2019

[2] The Deloitte Global 2021 Millennial and Gen Z Survey  [truy cập trực tuyến]

[3]  What Are Customer Expectations, and How Have They Changed?  [truy cập trực tuyến]

ThS. Bùi Ngọc Bích - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang