Cảnh báo: Không cho trẻ chơi điện thoại đồ chơi bằng nhựa có lắp bóng đèn LED

author 06:18 14/09/2020

(VietQ.vn) - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM mới đây đã tiếp nhận một bé gái 10 tháng tuổi, ngụ Long An, đang chơi với chiếc điện thoại nhựa có gắn đèn thì đột nhiên ho sặc sụa, ói liên tục.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Nhật Mai, Phó khoa Hô Hấp, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, khi bé nhập viện, dị vật đã nằm trọn trong phế quản phải, nguy cơ tắc ứ khí, xẹp luôn một phần phổi. Các bác sĩ chụp X-quang kiểm tra kỹ vị trí dị vật và nội soi gắp.

Rất may sau thời gian ngắn chiếc đèn LED màu đỏ, nhỏ xíu đã được gắp ra an toàn, không làm bít tắc ứ khí hoặc xẹp phổi. Hiện bé đã tỉnh mê, sinh hiệu ổn, tiếp tục điều trị viêm phổi.

Thông tin thêm về bệnh nhi trên, các bác sĩ cho biết, rất may mắn là dị vật chưa gây hoại tử nhiễm trùng, chưa tạo ổ mủ áp xe hay rơi vào bít tắc đường thở chính. Nếu phát hiện và cấp cứu không kịp, bệnh nhi có thể ngưng thở, thậm chí tử vong.

Chiếc bóng đèn từ điện thoại đồ chơi nằm trong thực quản bé gái. Ảnh: VnExpress 

Liên quan tới vụ việc trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng chia sẻ, tại khoa chỉnh hình nhi, mỗi năm các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn ở trẻ nhỏ với các mức độ tổn thương khác nhau. Tai nạn do các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như vùng cổ, cổ tay, cổ chân gây đứt động mạch là một trong những trường hợp nghiêm trọng và rất có thể gây ra tử vong ở trẻ nếu không được sơ cấp cứu đúng cách.

Tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ thường xảy đến bất ngờ, khó lường trước và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể các em. Ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.

Bé trai 3 tuổi bị dị vật mắc kẹt trong phế quản suốt hơn một tháng (VietQ.vn) - Bé trai 3 tuổi bị dị vật mắc kẹt trong phế quản hơn 1 tháng trời khiến bé bị viêm phổi nặng kéo dài phải chuyển từ Đắk Lắk xuống TP.HCM điều trị.

Cũng theo các bác sĩ, mặc dù nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích vẫn chưa giảm. May mắn là hiện nay sau khi được phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu, tình trạng sức khỏe của các bệnh nhi đã dần hồi phục và có thể ra viện trong mấy ngày tới.

Còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ em nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn trong quá trình nuôi dạy chăm sóc trẻ. Chỉ một phút thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của người lớn là trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình từ khi trẻ bắt đầu hình thành những ý thức đầu tiên. Vì không phải cha mẹ mà chính bản thân các em mới là người có trách nhiệm tự bảo vệ mình trước mọi nguy hiểm rình rập trong suốt cuộc đời.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang