Tới 2020 hướng đạt tỷ lệ 1 thiết bị xạ hình trên 1 triệu dân

author 09:05 08/08/2017

(VietQ.vn) - Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã đạt được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ở nhiều quốc gia, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) có vai trò quan trọng và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên cả hai lĩnh vực ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ (ứng dụng phi năng lượng) và điện hạt nhân (ứng dụng năng lượng).

Ở Việt Nam, Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (Chiến lược) đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006 với mục tiêu chung là từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp, công nghệ hạt nhân có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Thực hiện vai trò là cơ quan quản lý và hướng dẫn triển khai thực hiện Chiến lược, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan để triển khai các nhiệm vụ về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, trong giai đoạn 2011 – 2016, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã đạt được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn, đặc biệt là trong chẩn đoán và điều trị bệnh bằng các trang thiết bị và kỹ thuật hạt nhân tiên tiến, trong chọn tạo giống cây trồng đột biến, ứng dụng công nghệ hạt nhân trong các lĩnh vực công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Một số kết quả đã được ghi nhận ở tầm khu vực và trên thế giới.

Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y học. Ảnh Vinmec

Cụ thể, trong y tế, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ được sử dụng chủ yếu ở ba lĩnh vực là y học hạt nhân, xạ trị và điện quang.

Về Y học hạt nhân: Hiện cả nước có 32 cơ sở y học hạt nhân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh/thành phố lớn (về số lượng đáp ứng được 65% so với mục tiêu đến năm 2015 của Chiến lược). Trang bị của y học hạt nhân có 43 thiết bị xạ hình (35 máy SPECT và SPECT/CT, 8 PET/CT), đạt tỷ lệ khoảng 0,47 máy/1 triệu dân.

Để đáp ứng mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 đạt tỷ lệ 01 thiết bị xạ hình/1 triệu dân, cần trang bị thêm khoảng 60 máy xạ hình. Các kỹ thuật xạ hình bằng SPECT & SPECT/CT đối với ung thư và di căn, các bệnh tim mạch, hệ tiêu hoá, xương khớp, hô hấp... đã và đang được thực hiện có kết quả cho hàng ngàn bệnh nhân mỗi năm. Một số bệnh viện có số bệnh nhân xạ hình SPECT trung bình từ 2000 - 3000 ca/năm. Kỹ thuật xạ hình PET/CT sử dụng 18F-FDG, công nghệ tiên tiến của thế giới hiện đã trở thành kỹ thuật thường quy trong chẩn đoán - điều trị các bệnh về ung thư, tim mạch và thần kinh tại Việt Nam. Số lượng bệnh nhân xạ hình tại Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy khoảng 7000-8000 lượt/năm (trong đó, xạ hình PET/CT khoảng 1000 lượt).

Về Xạ trị: Xạ trị có vai trò điều trị ung thư, đặc biệt là các khối u ác tính khó can thiệp bằng phẫu thuật thông thường như u não, u tuyến giáp. Cả nước hiện có 25 cơ sở xạ trị (phần lớn tập trung tại các thành phố lớn), về số lượng đáp ứng được 50% mục tiêu đến năm 2015 của Chiến lược (80% các tỉnh có cơ sở xạ trị). Trang bị hiện có 53 máy xạ trị (trên 30 máy tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh), đạt tỷ lệ khoảng 0,6 máy/1 triệu dân. Để đáp ứng mục tiêu của Chiến lược đạt tỷ lệ 01 thiết bị xạ trị/1 triệu dân đến năm 2020, cần trang bị thêm khoảng gần 50 máy xạ trị.

Nhiều kỹ thuật xạ trị hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế hiện đã được triển khai tại Việt Nam như: Điều trị ung thư tế bào gan (HCC) bằng kỹ thuật gây tắc mạch bằng các vi cầu phóng xạ; kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I-131; kỹ thuật cấy hạt phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt; kỹ thuật xạ trị áp sát trong điều trị ung thư cổ tử cung, ung thư trực tràng, ung thư vú, ung thư vòm, ung thư thực quản; kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay, xạ trị điều biến liều, mô phỏng lập kế hoạch xạ trị bằng PET/CT, xạ trị áp sát suất liều cao…

Về Chẩn đoán hình ảnh (điện quang): Hiện cả nước có 174 máy chụp cắt lớp vi tính, 51 máy chụp cộng hưởng từ và 21 máy chụp mạch máu, trên 500 máy X quang cao tần. Các kỹ thuật cao về điện quang mới chỉ được áp dụng ở những bệnh viện đầu ngành. Một số cơ sở điện quang lớn ở các bệnh viện trung ương hoặc bệnh viện cấp khu vực, tỉnh, thành phố đã đưa vào hoạt động một số thiết bị hiện đại.

Về sản xuất và sử dụng đồng vị, dược chất phóng xạ trong y tế: Thực hiện các kỹ thuật về y học hạt nhân và xạ trị cần sử dụng các loại dược chất phóng xạ (DCPX), trong đó các DCPX đời sống ngắn dùng cho xạ hình được sản xuất trên các máy cyclotron, các loại DCPX đời sống dài và trung bình dùng cho xạ trị được sản xuất trên lò phản ứng nghiên cứu.

Theo thống kê, tổng nhu cầu DCPX trong y tế của Việt Nam hiện nay gần 1400Ci/năm, trong đó Viện nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) cung cấp gần 400Ci/năm, sản xuất trên các máy cyclotron khoảng 250Ci/năm (tổng lượng cung cấp trong nước đạt gần 50% nhu cầu, đáp ứng được mục tiêu đề ra trong Quy hoạch chi tiết). Để có thể đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước như chỉ tiêu trong Kế hoạch chi tiết đặt ra, cần tăng cường sản xuất (DCPX) trên máy cylotron (do lò phản ứng nghiên cứu Đà lạt đã vận hành hết công suất).

Về xây dựng năng lực lắp ráp, chế tạo các chủng loại thiết bị ứng dụng bức xạ trong y tế: Ngoài một số thành công bước đầu về nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp thiết bị X-quang y tế, Việt Nam hiện chưa xây dựng được năng lực về bảo dưỡng, sửa chữa, lắp ráp, chế tạo một số chủng loại thiết bị ghi đo hạt nhân, thiết bị laser và máy gia tốc của nước ta, khó đạt được mục tiêu của Chiến lược.

Đánh giá chung về ứng dụng bức xạ đồng vị phóng xạ trong y tế: các kết quả cơ bản đáp ứng được các nhiệm vụ và chỉ tiêu đề ra Chiến lược và Quy hoạch chi tiết. Trong đó có những thành tựu, kết quả trong sử dụng các thiết bị y tế tiên tiến hiện đại trong chẩn đoán, điều trị bệnh đã đạt trình độ quốc tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, việc triển khai Quy hoạch chi tiết còn có những khó khăn như: thiếu biên chế, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn và thiếu kinh phí để đầu tư, thành lập mới các trung tâm, các khoa về y học hạt nhân, xạ trị, điện quang. Bên cạnh đó, việc phối hợp các ngành trong công tác kiểm tra, đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn bức xạ cũng chưa được thường xuyên.

Để có thể tăng cường đầu tư cho ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế cần có cơ chế về tài chính phù hợp để huy động nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước và địa phương, cũng như chính sách khuyến khích đầu tư theo chủ trương xã hội hóa trong ngành y tế để phát triển về điện quang, xạ trị và y học hạt nhân. Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh liên kết, phối hợp các Bộ, ngành trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực y vật lý.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang