Ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động trong kỷ nguyên mới

author 14:16 07/02/2025

(VietQ.vn) - Khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần chú trọng và thay đổi công nghệ - yếu tố đầu tiên quyết định đến quá trình sản xuất ngày nay.

Sự kiện: Năng suất chất lượng

Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2024 - GII) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) năm 2024 đã xếp Việt Nam hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023.

Mặt khác, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36 (đầu ra gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo).

Phát triển công nghệ cao gia tăng năng suất lao động trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

Có thể nói, đây là thời điểm Việt Nam có khả năng rất cao trở thành nước phát triển cao và là thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Thực chất, đây là quá trình chuyển dịch cơ bản cơ cấu kinh tế từ mô hình dựa vào nguồn lực hay hiệu quả sang mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để đạt được tốc độ tăng trưởng chưa từng có này, bên cạnh việc tích lũy đáng kể nguồn lực phát triển trong 40 năm đổi mới liên tục và quyết liệt, tạo lập được những nền tảng phát triển quan trọng, cần đổi mới thực chất mô hình tăng trưởng, trong đó phải lấy công nghệ cao làm nòng cốt và yếu tố cốt lõi. Các loại công nghệ được ưu tiên là công nghệ vật liệu bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, tự động hóa, dữ liệu, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ.

Trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, công nghệ cao cần có sứ mệnh đi đầu để thay đổi mô hình tăng trường, tăng năng suất lao động, khẳng đinh vị trí và vai trò không thể thay đế trong mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, sức lan tỏa lớn và chuyển đất nước sang giai đoạn công nghiệp hóa cao, hướng tới nước công nghiệp để có thể gia nhập vào nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất năm 2045.

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức - Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Còn theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, để đạt được sứ mệnh đó của công nghệ cao ở Việt Nam cần có các giải pháp nhất định. Trước hết, cần nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng và thậm chí quyết định công nghệ cao trong việc cải thiện vị thế quốc gia trong dài hạn và bối cảnh phát triển mới. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông hiệu quả về công nghệ cao để huy động lớn nhất mối quan tâm và nỗ lực liên tục phát triển tất cả các hướng công nghệ cao.

Song song với đó, cần có hệ sinh thái phát triển công nghệ cao trên cơ sở Đề án và Luật Công nghệ cao cũng như các quy định khác có liên quan. Đầu tư nhiều hơn và công nghệ cao và có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hiệu quả công nghệ cao. Phát triển thị trường công nghệ cao gắn với mô hình hợp tác đầu tư phát triển công nghệ cao hoặc liên doanh quốc tế phù hợp.

Đặc biệt, cần coi trọng phát triển đội ngũ nhân lực nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, coi trọng các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và xây dựng chuỗi sản phẩm công nghệ cao, kết nối trung tâm công nghệ cao trong nước và quốc tế và có giải pháp rút ngắn khoảng cách phát triển, thâm chí sáng tạo mô hình phát triển mới hiệu quả và bắt kịp xu hướng thế giới.

Bà Nguyễn Minh Anh - Đại học Kinh tế quốc dân thì cho rằng, ứng dụng công nghệ cao cần đi đầu để thay đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, khẳng định vị trí và vai trò không thể thay thế trong mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, sức lan tỏa lớn và chuyển đất nước sang giai đoạn công nghiệp hóa cao. Để đạt được sứ mệnh đó của công nghệ cao ở Việt Nam cần có các giải pháp nhất định.

Cụ thể là nâng cao nhận thức, vài trò của công nghệ cao trong bối cảnh đất nước hiện nay bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông về hiệu quả của lĩnh vực này. Đồng thời, chú trọng, phát triển đội ngũ nguồn nhân lực, coi trọng các trung tâm công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và xây dựng chuỗi sản phẩm công nghệ cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ cao cần có chiến lược đầu tư làm chủ và phát triển công nghệ cao quyết liệt. Và cuối cùng là cần có hệ sinh thái phát triển công nghệ cao trên cơ sở đề án và Luật Công nghệ cao cũng như các quy định khác có liên quan.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang