Ứng dụng khoa học công nghệ trong xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT

author 16:15 15/09/2023

(VietQ.vn) - Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quảng bá xúc tiến thương mại thông qua việc mở các gian hàng nông sản Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước như Alibaba, Taobao, Amazon, Lazada, Shopee, Sen đỏ, Vỏ sò… và triển khai mạnh mẽ hình thức livestream quảng bá bán hàng trực tuyến trên Youtube, Tiktok, Fb, Zalo…

Đây là chia sẻ của Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tại hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023” diễn ra ngày 15/9/2023. 

Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế AgroViet 2023 diễn ra từ ngày 14 đến 17/9/2023 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

 Hội thảo “Tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử năm 2023”

Hội thảo được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Cung cấp thông tin về tình hình tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên sàn TMĐT, những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa những sản phẩm này lên sàn TMĐT. 

Ông Hoàng Văn Dự- Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2023, ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do biến động thị trường, xung đột giữa các nước lớn, kinh tế suy thoái, sức mua giảm và hệ lụy của biến đổi khí hậu. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 8 tháng đầu năm 2023, giảm 9,5%, nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng trong quý 1, quý 2 năm 2023. 

Từ thực tế khó khăn đối với thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản. Trong đó chú trọng khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân, với nhiều hoạt động XTTM, ưu tiên quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo nhằm tạo điều kiện cho khu vực kém ưu thế quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. 

Bên cạnh những kênh truyền thống quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thông qua hoạt động hội chợ triển lãm, hội nghị hội thảo, giao thương… Bộ NN&PTNT rất quan tâm đến hoạt động quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản Việt Nam trên sàn thương mại điện tử. Đầu năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã ký biên bản hợp tác với tiktok Việt Nam, Tập đoàn Sunwah, Hiệp hội XNK Quảng Đông- Trung Quốc, Sở Thương mại Vân Nam Trung Quốc tổ chức các hoạt động quảng bá, tiêu thụ nông sản Việt Nam. 

 Hội chợ triển lãm AgroViet 2023 thu hút đông khách trong nước và quốc tế

Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đã ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quảng bá xúc tiến thương mại thông qua việc mở các gian hàng nông sản Việt Nam trên các trang thương mại trong và ngoài nước nhưAlibaba, Taobao, Amazon, Lazada, Shopee, Sen đỏ, Vỏ sò… và triển khai mạnh mẽ hình thức livestream quảng bá bán hàng trực tuyến trên Youtube, Tiktok, Fb, Zalo… (mời nhà sáng taọ nội dung, người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội hàng tuần tổ chức các buổi livestream các đặc sản trên Tiktok, Youtube..)

Với sản phẩm nông đặc sản vùng miền ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, tuy có bất lợi về hạ tầng giao thông, khoảng cách địa lý, nhưng có các yếu tố văn hóa, yếu tố bản địa đặc sắc, Trung tâm phối hợp cùng địa phương chú trọng xây dựng câu chuyện sản phẩm khi quảng bá, bán hàng trên TMĐT, tạo dấu ấn tốt đối với khách hàng và công chúng- ông Hoàng Văn Dự chia sẻ. 

Nhấn mạnh những giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản vùng miền trên các sàn thương mại điện tử, góp phần kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, bà Lê Việt Nga- Vụ phó Vụ Thị trường trong nước- Bộ Công Thương cho hay, nhiều hoạt động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… đã hỗ trợ hàng ngàn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử. 

“Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết ... đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống, góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm này tới với người tiêu dùng trong và ngoài nước”- bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Lê Kim Liên 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang