Ứng dụng truy xuất nguồn gốc nhằm ‘siết’ nạn hàng giả, hàng nhái

author 13:44 26/11/2019

(VietQ.vn) - Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho biết mặc dù đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, tuy nhiên nạn hàng giả, hàng nhái vẫn lộng hành như “thách thức” mức độ sành sỏi của khách hàng. Do đó các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật như ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới... nhằm bảo vệ sản phẩm của mình.

Sáng ngày 26/11, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) – Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”.

Xử lý mỗi năm hàng chục ngàn vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Phát biểu khai mạc chương trình, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công thương khẳng định, công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn và lâu dài trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hút đầu tư, khuyến khích sáng tạo, lành mạnh hoá thị trường, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

"Diễn đàn Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”.

Thời gian qua, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đồng thời có nhiều biện pháp quản lý ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ tính riêng lực lượng QLTT trung bình mỗi năm kiểm tra, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kém chất lượng góp phần hạn chế đáng kể vấn nạn này.

Tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện thì trên thị trường hiện nay vẫn còn tồn tại hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau khiến những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra. Các cơ quan thực thi cũng như doanh nghiệp và người dân vẫn phải đối mặt với những thách thức từ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, đặc biệt là đối với các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe, môi sinh môi trường,…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT cho biết nạn hàng giả, hàng nhái dẫn đến hệ lụy tiêu cực như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính… Qua một số khảo sát cho thấy, hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.

Phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, sành sỏi

Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó với các cơ quan chức năng. Một số mặt hàng vi phạm nổi cộm thời gian vừa qua bao gồm: Thực phẩm (mỳ chính, bánh mứt kẹo, đồ uống rượu bia, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm chức năng); Vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi); Dược phẩm (đông dược, tân dược ngoại nhập); Vật liệu xây dựng; Mặt hàng phụ tùng ô tô, xe máy; Xe máy điện, xe đạp điện; Mặt hàng tiêu dùng, thời trang… Vi phạm chủ yếu về gian lận xuất xứ, chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu.

Phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi như để trốn tránh kiểm tra, kiểm soát các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên vật liệu, linh phụ kiện, đầu mối chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ;...

Tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa được hoàn thiện. Việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet là rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính.

Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.

 Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương.

Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng chia sẻ về nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái. Từ những tổ chức, đường dây chuyên nghiệp đến hộ kinh doanh nhỏ lẻ, người bán hàng rong đều có thể sử dụng rất nhiều chiêu thức khác nhau để lừa dối người tiêu dùng. Chẳng hạn, đơn giản như trường hợp người bán hàng rong bán hoa quả, khoai tây, hành tỏi… xuất xứ Trung Quốc, khi người tiêu dùng hỏi xuất xứ thì họ sẵn sàng nói là hàng của Việt Nam để người tiêu dùng mua hàng của mình.

Sự phổ biến của hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam liên quan đến vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại cũng như nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam. Thực tế cho thấy, khi buôn lậu, gian lận thương mại không được ngăn chặn hiệu quả thì khi vào thị trường nội địa hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại được hợp thức hóa bằng rất nhiều phương thức, phân phối thông qua các kênh tiêu thụ đa dạng, linh hoạt, khi đó công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm sẽ rất khó khăn.   

Hiện nay, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nếu cơ quan thực thi không có có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là đối với hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở,... Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng, vì vậy, việc phát hiện vi phạm cũng gặp khó khăn. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng thì càng khó khăn (chẳng hạn như hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật,…).

Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm được. Chẳng hạn như việc phân biệt, xác định được sự khác biệt giữa nông sản nhập khẩu và nông sản trong nước gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến việc mua bán nông sản, đặc biệt là các loại quả không chỉ được thực hiện tại các chợ, các siêu thị, cửa hàng mà theo thói quen tiêu dùng của người dân nên được thực hiện chủ yếu ngay tại các sạp nhỏ lẻ ở các chợ cóc, các gánh hàng rong, xe ô tô dừng đỗ dọc đường hoặc xe thồ di chuyển trên đường gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường.

Đôi khi chỉ phân biệt được qua cảm quan, kinh nghiệm, nhưng để xác định vi phạm thì phải có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng. Hoặc nếu giám định để xác định vi phạm thì phải có chỉ tiêu phân biệt mới dùng kết quả giám định để xác định vi phạm được, điều này rất khó thực hiện trong thực tế.

Ngoài ra, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng trong khi đó, bản thân người mua hàng rất khó phát hiện. Nhận thức, thị hiếu của người tiêu dùng về các nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng vẫn còn cao (nhất là đối với các sản phẩm về mỹ phẩm, giày dép, quần áo, đồng hồ...), muốn sở hữu hàng hoá với giá rẻ, cùng với đó là khả năng nhận biết và thông tin để nhận biết hàng thật-hàng giả còn nhiều hạn chế.

Giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Từ đó, ông Đạt đề xuất một số giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đối với lực lượng QLTT cần đổi mới phương pháp thu thập thông tin, thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn (khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại,...), từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ bị làm giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ giám sát, ngăn chặn phù hợp; cần tập trung nguồn lực, chủ động phối hợp để triển khai các chuyên đề trọng điểm, nổi cộm nhằm tạo được hiệu ứng tích cực trên thị trường (nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng hoá may mặc, mặt hàng tiêu dùng gia dụng thiết yếu,...).

Lực lượng QLTT chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến để cho người dân, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật, nắm được các thông tin về phân biệt hàng giả, xuất xứ hàng hóa, từ đó nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh hàng giả (thông qua các hình thức phát thanh, truyền hình, hội thảo, triển lãm, phát hành các ấn phẩm, trực tuyến...). Đối với từng địa bàn cụ thể, đặc biệt là tại các khu vực kinh doanh tập trung, đơn vị triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn tới từng doanh nghiệp, hộ kinh doanh (tổ chức ký cam kết, hướng dẫn trực tiếp).

Đặc biệt trong môi trường mạng internet, cần tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia mua sắm qua ứng dụng thương mại điện tử tại các trang, ứng dụng, sàn thương mại điện tử uy tín, đã được thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Sắp tới, Tổng cục QLTT sẽ triển khai các công cụ trực tuyến kết nối giữa cơ quan QLTT, doanh nghiệp và người tiêu dùng nhằm hỗ trợ hiệu quả và thuận tiện cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn tiêu dùng cũng như chia sẻ thông tin, tố giác vi phạm.

Tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Rà soát, tham mưu, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý (sớm ban hành quy định về ghi xuất xứ đối với hàng hóa sản xuất, lắp ráp trong nước), cơ cấu tổ chức, cơ chế thực thi, cơ chế phối hợp,... để đảm bảo công tác chỉ đạo, điều phối, phối hợp thực thi đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại hiệu quả hơn trong tình hình mới; cải thiện các nguồn lực phục vụ trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo xuất xứ về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị,...

Về phía doanh nghiệp, hiệp hội, ông Nguyễn Tiến Đạt đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý hệ thống phân phối, đại lý hàng hoá của mình để chủ động phát hiện, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ kỹ thuật nhằm bảo vệ sản phẩm của mình như: ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả sử dụng công nghệ mới...; các doanh nghiệp, hiệp hội cần thể hiện tốt vai trò đồng hành với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội tăng cường các biện pháp tuyên truyền để người dân, người tiêu dùng chủ động phòng tránh hàng giả, hàng nhái doanh nghiệp cần theo dõi, giám sát hệ thống phân phối hàng hóa của mình, chủ động tố giác các vi phạm, đặc biệt đối với những sản phẩm, hàng hoá liên quan đến chất lượng, an toàn, sức khỏe, lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa: Những thách thức cần phải tháo gỡ(VietQ.vn) - Truy xuất nguồn gốc đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính khép kín, chưa thống nhất do tem truy xuất chưa thống nhất về nội dung, hình thức…

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang