Vi khuẩn từ thịt gây ra nửa triệu ca nhiễm trùng đường tiết niệu mỗi năm tại Mỹ

author 09:16 25/03/2023

(VietQ.vn) - Nghiên cứu của Mỹ đã phát hiện rằng, vi khuẩn E. Coli từ thịt có thể là nguyên nhân gây ra hơn nửa triệu ca nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở Mỹ mỗi năm.

Thực tế vi khuẩn E.Coli đã gây nhiều vụ ngộ độc trên thế giới, thậm chí được coi là bùng phát như ở châu Âu năm 2011. Vào mùa hè năm 2011, nước Đức đã trải qua một trong những đợt bùng phát lớn nhất về bệnh nhiễm trùng do thực phẩm gây ra bởi vi khuẩn Escherichia coli gây xuất huyết đường ruột (EHEC) với kiểu huyết thanh O104:H4.

Một số lượng lớn trường hợp bị tiêu chảy ra máu và hội chứng tan máu tăng urê huyết (HUS) xảy ra. Chưa bao giờ tỷ lệ trường hợp HUS cao như vậy được quan sát thấy trong một đợt bùng phát do mầm bệnh truyền qua thực phẩm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, E.Coli bao gồm một nhóm vi khuẩn đa dạng. Sáu loại bệnh có liên quan đến tiêu chảy và được gọi chung là E.Coli gây tiêu chảy.

Một nghiên cứu mới được công bố trên ScienceDirect phát hiện vi khuẩn E. Coli có thể là nguyên nhân gây ra hơn nửa triệu ca nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ở Mỹ mỗi năm. Một tác giả tham gia nghiên cứu cũng cảnh báo các ca tử vong vì nhiễm trùng máu do UTI có thể đang gia tăng, theo The Guardian.

Vi khuẩn từ thịt gây ra nửa triệu ca nhiễm trùng đường tiết niệu mỗi năm tại Mỹ. Ảnh: Zing News 

Cụ thể, nghiên cứu cho thấy trong số 6-8 triệu ca nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn E. Coli gây ra tại Mỹ hàng năm. Khoảng 480.000-640.000 ca có thể liên quan đến chủng FZEC hoặc E. Coli có trong thực phẩm.

Phụ nữ có nhiều khả năng mắc UTI cao hơn nam giới. Hiệp hội Hóa trị Kháng sinh của Anh (BSAC) ước tính khoảng một nửa số phụ nữ ở Anh sẽ mắc UTI ít nhất một lần trong đời. "Mọi người mang chủng E. Coli gây nhiễm trùng đường tiết niệu trong ruột, vì thế vi khuẩn đã đi từ hậu môn vào đường tiết niệu để gây nhiễm trùng", giáo sư chuyên khoa về kháng sinh Lance Price, một trong những tác giả của nghiên cứu thông tin.

Các tác giả của nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi là làm thế nào mà ngay từ đầu E. Coli gây UTI đã có thể xâm nhập vào ruột. Kết quả, họ phát hiện loại vi khuẩn E. Coli có trong thực phẩm được tìm thấy trên thực vật hay thịt đều có nguồn chung là từ vật nuôi.

Nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là căn bệnh gây khó chịu không hơn không kém, nhưng giáo sư Lance Price cho biết bàng quang có thể đóng vai trò là cửa ngõ để vi khuẩn E. Coli đi vào máu thông qua thận và gây ra nhiều rủi ro lớn hơn.

Tại Mỹ, nhiễm trùng máu do E. Coli giết chết 36.000-40.000 người mỗi năm. Tại Anh, BSAC mô tả UTI là "nguồn lây nhiễm vi khuẩn máu hàng đầu" và là "phạm vi bị bỏ quên kinh niên của các bệnh truyền nhiễm".

Giáo sư Price cảnh báo E. Coli - vốn đã kháng một số phương pháp điều trị bằng kháng sinh sẽ trở nên kháng nhiều loại kháng sinh hơn. Số người chết vì nhiễm trùng máu cũng theo đó tăng lên. Giáo sư nói rằng việc giảm nguy cơ mắc UTI do chủng E. Coli từ thịt sẽ giúp giảm các ca tử vong do nhiễm trùng máu.

Ông Price nhận định đối với nhiều người, mối liên hệ giữa nhiễm trùng đường tiết niệu và thịt không rõ ràng như các bệnh khác liên quan đến thịt. Cách nhìn nhận này có thể bắt nguồn từ việc khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể cho đến khi phát hiện UTI ở người là cả một thời gian dài.

Khi làm việc tại Flagstaff, bang Arizona (Mỹ), giáo sư Price và các cộng sự đã dành một năm để so sánh vi khuẩn E. Coli gây UTI được tìm thấy ở những bệnh nhân điều trị tại địa phương với vi khuẩn E. Coli được tìm thấy trong gà tây, thịt gà, thịt lợn được bày bán trong khu vực. Nhóm nghiên cứu chọn những loại thịt này vì chúng được xác định có nhiều khả năng mang vi khuẩn E. Coli gây ra UTI.

Kết quả, nhóm nghiên cứu phát hiện 8% trường hợp UTI ở Flagstaff là do vi khuẩn E. Coli từ các loại thịt ở địa phương gây ra. Điều đó có nghĩa 480.000-640.000 ca mắc UTI trên toàn nước Mỹ bắt nguồn từ chủng E. Coli có trong gà tây, thịt gà, thịt lợn.

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa chăn nuôi công nghiệp và vi khuẩn E. Coli gây UTI có trong thịt, giáo sư Price cho biết mật độ động vật nuôi nhốt trong nhà quá cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây bệnh. Lý do là khi mật độ vật nuôi quá cao, E. Coli sẽ lây lan rất nhanh. Chưa kể, chủng lây lan giữa các loài động vật cũng có cơ hội phát triển đặc điểm mới có thể gây ra bệnh nặng hơn và kháng thuốc kháng sinh nhiều hơn.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Price đề xuất giải pháp tiêm chủng cho động vật để chống lại E. Coli như một cách ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập vào chuỗi thức ăn ngay từ đầu. Với gia cầm, chúng ta có thể tiêm chủng ngay từ giai đoạn có trứng.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu khuyến nghị hạn chế tiếp xúc các sản phẩm làm từ thịt và tuân theo hướng dẫn an toàn trong khâu chuẩn bị thực phẩm. Theo đó, người lao động cần rửa tay thường xuyên, sử dụng dao, thớt riêng thịt và dao, thớt riêng cho rau, củ, quả.

Giáo sư Price và các cộng sự phát hiện một số vi khuẩn E. Coli gây UTI có trong thịt có khả năng kháng điều trị bằng kháng sinh. Ước tính 11% vi khuẩn không phản ứng với trimethoprim sulfamethoxazole - hợp chất được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Dù vậy, giáo sư cho biết đây không phải khám phá quan trọng vì nhiều loại E. Coli được biết là kháng kháng sinh tại Mỹ.

Tuy nhiên, ở các nước khác, điều này có thể sẽ khác. Vì thế, mục tiêu tiếp theo của ông là sử dụng phương pháp của nhóm nghiên cứu để kiểm tra khả năng kháng kháng sinh của E. Coli có trong thịt ở các nước khác. Ngoài ra, nhóm của ông Price cũng đang tiến hành nghiên cứu mới để kiểm tra khả năng E. Coli gây UTI có trong thịt bò.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang