Vi phạm quy định về quảng cáo khiến nhiều công ty dược phẩm bị xử phạt

author 06:30 12/10/2022

(VietQ.vn) - 16 công ty dược phẩm vừa bị xử phạt hành chính, tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Được biết, nguyên nhân chính là do các cơ sở này vi phạm quy định quảng cáo.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có Quyết Định 340/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần dược phẩm Bzer (Địa chỉ: Tầng 3, nhà số 12, phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội xác định Công ty cổ phần dược phẩm Bzer quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Với hành vi trên, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần dược phẩm Bzer với số tiền 45 triệu đồng, đồng thời buộc công ty này tháo gỡ, xóa những quảng cáo trái quy định.

Nhiều công ty dược phẩm bị xử phạt do vi phạm quảng cáo

 

Ngoài ra, Sở Y tế đã có quyết định xử phạt hành chính đối với 2 công ty dược phẩm khác là Công ty cổ phần dược Danapha Hà Nội (Số 9, ngõ 87 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Công ty này bị xử phạt với số tiền 49 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, niêm yết giá không đầy đủ.

Công ty cổ phần dược phẩm Thuận Thành (Số 12/189/14 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng do quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định;Không lưu giữ tài liệu có liên quan đến lô thuốc trong thời gian phải lưu giữ.

Hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng được cho là hành vi vi phạm trái pháp luật, trái với quy tắc xử sự chung theo quy định của luật quảng cáo hoặc căc văn bản pháp luật khác có liên quan, gây ảnh hưởng đến xã hội, hay một đối tượng cụ thể ví đụ như là người tiêu dùng. Và mọi hành vi vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân tổ chức vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự. Và đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và cũng là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước tới đời sống sức khoẻ của nhân dân.

Các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo “nổ” vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.

Theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, (có hiệu lực từ 20/10/2018) thay thế cho Nghị định số 178/2013/NĐ-CP với mức xử phạt cao hơn, mang lại giá trị răn đe tốt hơn với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm răn đe hơn so với Nghị định số 178/2013/NĐ-CP: Quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo, tăng mức phạt tiền ở các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm; xử phạt bổ sung như buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm, buộc tiêu hủy thực phẩm, buộc thu hồi thực phẩm, buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn.

Ngoài ra, Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân trước khi mua và sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần phải lưu ý rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Trước khi sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: “thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; xem rõ về thành phần, tác dụng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe.

Ngoài ra, chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng. Khi mua sản phẩm, cần yêu cầu người bán đưa hóa đơn/đơn hàng để làm bằng chứng cho việc mua bán hàng hoá giữa hai bên.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang