Vì sao 50% thí sinh trượt sát hạch xe số tự động?

author 10:49 26/04/2016

Khóa sát hạch đào tạo lái xe số tự động đầu tiên được tổ chức tại Bắc Ninh có tỷ lệ trượt tới 50%.

Bài thi đề - pa lên dốc được coi là dễ hơn với người học và thi lái xe số tự động nhưng cũng có nhiều người vẫn bị trừ điểm ở nội dung này

Khóa sát hạch đào tạo lái xe số tự động đầu tiên vừa được tổ chức tại Bắc Ninh có tỷ lệ trượt tới 50%. Điều này cho thấy việc học và thi sát hạch lái xe số tự động không dễ như nhiều người từng nghĩ.

Học và thi số tự động không đơn giản

Ngày 23/4, Sở GTVT Bắc Ninh tổ chức khóa sát hạch lái xe số tự động đầu tiên trong cả nước tại Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô. Theo Hội đồng sát hạch, khóa sát hạch đầu tiên có 30 học viên đủ điều kiện tham gia sát hạch. Sáng 23/4, trong số 12 học viên tham gia nội dung sát hạch hạng B1 (hạng GPLX số tự động), có tới 6 học viên bị trượt. Điều này cho thấy, việc học và thi sát hạch lái xe số tự động không hề đơn giản như nhiều người nghĩ.

Trước khi bước lên xe sát hạch, chị Hoàng Minh Nguyệt (SN 1980, ở Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra khá rè rặt: “Học lái xe số tự động dễ dàng hơn ở bài thi “đề - pa lên dốc”, giảm được thao tác điều khiển chân côn nhưng các bài thi khác, không khác gì xe số sàn nên nếu không chịu khó rèn luyện kỹ năng, bình tĩnh trong lúc thi vẫn rất khó đỗ”.

Đúng như sự e dè ban đầu, sau khi vượt qua hầu hết các bài thi, đến bài “dừng xe trong tình huống khẩn cấp” chị Nguyệt đã không thực hiện đúng thao tác tắt đèn báo hiệu khẩn cấp nên bị trừ 10 điểm. Do bị tâm lý nên liên tiếp ở các bài thi “dừng xe ở đèn tín hiệu” và “xi nhan phải” chị Nguyệt liên tục mắc lỗi, bị trừ chỉ còn 75 điểm và đành phải thi lại ở kỳ sát hạch sau.

Phân tích các lỗi học viên thường mắc phải của Hội đồng sát hạch (Sở GTVT Bắc Ninh) cho thấy, có tới 20% các lỗi ở bài thi “ghép xe ngang” - chủ yếu để bánh xe đè vạch, có 17% lỗi ở bài thi “ghép xe dọc”, trong khi lỗi ở bài thi được coi là thuận lợi với xe số tự động là “khởi hành ngang dốc” chỉ chiếm 14%...

Chị Nguyễn Thị Nhung (Ba Đình, Hà Nội) cũng tham gia sát hạch lái xe số tự động và chỉ đạt 75 điểm. Chị Nhung cho biết, dù khi học số tự động thấy khá đơn giản và lúc ôn luyện trong hình đều đạt điểm đỗ nhưng có lẽ khi thi bị tâm lý, nhất là giờ có thêm bài thi "ghép xe ngang" nên thấy khó hơn.

Ông Thân Văn Hanh, Phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên hướng dẫn chuyên sâu, trang bị toàn bộ phương tiện sát hạch hoàn toàn mới để các học viên khóa đầu tiên thi sát hạch lái xe số tự động tự tin. Tỷ lệ trượt cao trong lần thi đầu tiên này cũng là kinh nghiệm quý để chúng tôi rút ra những bài học và cách thức đào tạo, hướng dẫn học viên tốt hơn trong các khóa học tới”.

Đa số học viên thi sát hạch lái xe số tự động đợt này là nữ

Lý giải nguyên nhân trượt nhiều

Theo quan sát của PV trong buổi đầu thi sát hạch lái xe số tự động, phần lớn các học viên dự thi là nữ hoặc có độ tuổi cao từ 30 - 50. Xác thực nhận định này, ông Thân Văn Hanh cho biết, trong số 30 học viên học lái xe số tự động, có 17 là nữ, còn lại đều là những người đứng tuổi. Có lẽ đây cũng là lý do khiến tỷ lệ trượt cao hơn.

Ông Tống Ngọc Đông, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVTBắc Ninh) cho rằng, với việc lần đầu tiên thực hiện Thông tư 58 về sát hạch xe số tự động và bổ sung bài thi “ghép xe ngang” đối với hạng B1, B2, tỷ lệ trượt nhiều hơn phản ánh thực tế khách quan. Ông Đông cũng cho rằng, nhận định học lái xe và sát hạch số tự động dễ hơn số sàn là hoàn toàn đúng vì bài “đề - pa lên dốc” khi thi số tự động thí sinh hầu như không bị hỏng và yếu tố chết máy gần như không có.

“Lý do tỷ lệ đỗ thấp có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất theo quy trình có thêm bài thi “ghép xe ngang” nên số bài thi tăng thêm 1 bài khiến khả năng thí sinh bị trừ điểm tăng lên. Thứ hai, do sân sát hạch mới được cấp phép cho nội dung đào tạo số tự động nên thời gian để thí sinh ôn luyện trong hình còn hạn chế. Bên cạnh đó, kinh nghiệm của các thầy trong việc giảng bài về nội dung xe số tự động cũng chưa nhiều nên tỷ lệ đạt thấp là phản ánh đúng thực tế”, ông Đông phân tích.

“Chúng tôi đang chỉ đạo các cơ sở khác triển khai thêm các lớp khai giảng, dự kiến đến tháng 6 sẽ tổ chức thêm các khóa thi sát hạch cấp GPLX số tự động mới. Có thêm loại hình đào tạo này, ngoài việc đáp ứng nhu cầu có thực của một bộ phận người dân, cũng là điều kiện để các trung tâm gia tăng thêm dịch vụ. Mục đích chính vẫn là đảm bảo trật tự ATGT và giảm thiểu các vụ TNGT”, ông Đông nói.

>> Tập đoàn Thái Lan mua Zalora tại Việt Nam với giá 10 triệu USD

Theo Báo giao thông


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang