Vì sao nguyên Phó Chủ tịch UBND Hà Nội được miễn truy cứu hình sự?

author 11:31 18/07/2016

(VietQ.vn) - Đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra sau khi cơ quan tố tụng miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với vị Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo Vinaconex.

Ngày 15/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex)”, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án tới Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố 9 bị can về tội danh danh này.

Các bị can gồm: Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc và Nguyễn Văn Khải, nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội (Ban QLDASĐ); Trương Trần Hiển (nguyên Trưởng phòng Vật tư thiết bị Ban QLDASĐ); Trần Cao Bằng, nguyên Giám đốc và Vũ Thanh Hải, nguyên Phó Giám đốc Công ty Cổ phần ống sợi thuỷ tinh Vinaconex; Đỗ Đình Trì (nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát của công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam - Bộ Xây dựng (Viwase); Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân (nguyên cán bộ Viwase).

Cơ quan quan điều tra cũng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Trước những thông tin này được công bố khiến dư luận đặc biệt quan tâm về tình trạng vỡ đường ống nước Sông Đà đến nay đã lên đến lần thứ 18. Dư luận cho rằng, việc cơ quan tố tụng không truy xét trách nhiệm với lãnh đạo Vinaconex với những lý do trên thể hiện việc áp dụng pháp luật chưa nghiêm, thiếu tính răn đe và đường ống nước Sông Đà vẫn còn… vỡ tiếp?

 Sửa chữa sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà

Liên quan đến kết luận trên của cơ quan tố tụng, Luật sư Phạm Công Út, Giám đốc Công ty Luật Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, những căn cứ để không tiếp tục xử lý hình sự đối với vụ án đã có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố các bị can, có Cáo trạng, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và cuối cùng không điều tra bổ sung mà lại ra Quyết định đình chỉ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can là một thách thức đối với dư luận xã hội của các cơ quan liên ngành tư pháp trung ương.

Vì trong quá trình điều tra, dù những người này có khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp cho ngành xây dựng, vi phạm lần đầu, và việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá thành rẻ, có chăng chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét lượng hình của Hội đồng xét xử chứ không thể xem là căn cứ để đình chỉ việc khởi tố vụ án, đình chỉ việc khởi tố các bị can. Nhất là tình tiết “kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi” thì lại càng không thể xem là lý do để đình chỉ.

Vì với tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 229 bộ luật Hình sự, tội danh này quy định khá chi tiết, là hành vi: “vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình…”, hoàn toàn không đề cập gì đến yếu tố cấu thành là nhằm động cơ, mục đích vụ lợi.

Do vậy theo tôi, việc đình chỉ như thế này dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực trong dư luận, vì hành vi vi phạm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của 177.000 hộ dân với gần 20 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước nghiêm trọng.

 Luật sư Phạm Công Út

Trả lời câu hỏi về việc cơ quan tố tụng đưa ra các căn cứ trên để không xử lý hình sự có đúng với các quy định của pháp luật hiện hành hay không? Luật sư Phạm Công Út nêu quan điểm, như đã nêu ở trên, rõ ràng việc cơ quan tố tụng đưa ra các căn cứ ấy để không xử lý hình sự hoàn toàn không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành. Thậm chí nếu việc đình chỉ này trót lọt thì sẽ tạo một tiền lệ rất xấu cho những hành vi phạm tội tương tự sau này cho xã hội. Vì hành vi này vốn đã bị xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự.

Luật sư Phạm Công Út dẫn luận: Có lẽ không riêng gì tôi, vì sự an toàn của xã hội mà đa số người dân, doanh nghiệp đều mong muốn được xử lý mạnh tay đối với những loại tội phạm này, nhất là đối với những người có chức vụ, quyền hạn để răn đe, phòng ngừa chung. Không thể chấp nhận chuyện một người nào đó hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá chỉ 2 triệu đồng nhưng có thể phải đi tù, còn những người gây thiệt hại hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng lại vô can, bình an vô sự như thế.

Điều đó vừa thể hiện tính hài hước của pháp luật, vừa tạo những mãng tối mang tính tiền lệ xấu cho nền tư pháp nước ta trong việc giải vây cho tội phạm.

Do đó, tôi hy vọng Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tiếp tục xem xét lại tính hợp pháp của Quyết định đình chỉ này để khôi phục lại quyết định khởi tố, đồng thời xem xét động cơ, mục đích của người đã ra quyết định đình chỉ này về hành vi “Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội” theo điều 294 BLHS.

Khủng bố bằng xe tải ở Pháp: 'Bàng hoàng nhận được thông tin…'(VietQ.vn) - Đó là ý kiến của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khi được hỏi phản ứng của Việt Nam trước vụ tấn công, khủng bố bằng xe tải tại Pháp.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang