Vì sao phải xây dựng Nghị định về kinh doanh xăng dầu?

author 07:07 15/04/2024

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; quỹ bình ổn giá xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu; tỷ lệ sở hữu vật chất kinh doanh; điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh (kinh nghiệm, năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu, kho chứa); nguồn mua xăng của thương nhân phân phối; dự trữ lưu thông xăng dầu… Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Về sự cần thiết phải xây dựng Nghị định, theo Bộ Công Thương, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 9 năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2014. Kể từ khi ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi các Nghị định: Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu; Nghị định số 80/2023/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trong thời gian 10 năm thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, thị trường xăng dầu cơ bản được vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu tại thị trường trong nước vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới; hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng với nhiều đối tượng tham gia, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường; nguồn cung xăng dầu cho thị trường nhìn tổng thể đã được bảo đảm cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước…

Thời gian gần đây, tình hình an ninh năng lượng trên thế giới cũng như Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi các xung đột trên thế giới như xung đột giữa Nga - Ukraine, xung đột tại khu vực Trung Đông… dẫn tới giá dầu trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp, khó đoán định, nguồn cung trở nên khan hiếm, chi phí vận tải biến động tăng cao… Vì vậy, nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu cần phải xem xét, sửa đổi, bổ sung/thay thế để đáp ứng thực tiễn hiện nay cũng như trong tương lai.

Từ năm 2014 đến nay, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến kinh doanh xăng dầu được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh, Luật Giá, Luật Bảo vệ môi trường,… dẫn tới căn cứ pháp lý, một số quy định điều hành thị trường xăng dầu cũng có nhiều thay đổi.

 Ảnh minh hoạ.

Việt Nam hiện nay đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương cũng như đa phương, dẫn tới thuế nhập khẩu đối với nhiều loại hàng hóa, trong đó có xăng dầu được cắt giảm theo lộ trình cam kết tại Hiệp định thương mại. Nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước đã thay đổi đáng kể về cơ cấu nguồn khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn cũng đã cung ứng ra thị trường được khoảng 70% nhu cầu nội địa.

Công tác "số hóa" trong kinh doanh xăng dầu mặc dù đã được một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai thực hiện nhưng chưa đáp ứng theo xu hướng của cuộc cách mạng 4.0. Do vậy, cần thúc đẩy thương nhân kinh doanh xăng dầu "số hóa", một mặt nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác giúp cơ quan quản lý nhà nước điều hành thị trường xăng dầu được tốt hơn.

Thị trường xăng dầu sau thời gian phát triển đã có nhiều thương nhân tham gia vào thị trường xăng dầu, cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu khác, từ đó thúc đẩy thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra thị trường thứ cấp trong khâu phân phối (trung gian) làm tăng thêm chi phí trong khâu này.

Hiện nay, giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp. Nhằm giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, giúp doanh nghiệp linh hoạt và tự chủ quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường, dự thảo Nghị định tiếp cận theo hướng Nhà nước chỉ công bố giá xăng dầu thế giới và một số chi phí cố định. Thương nhân tự công bố giá bán tối đa dựa trên công thức giá do Nhà nước quy định. Giá bán xăng dầu trên thị trường của doanh nghiệp không được cao hơn giá bán tối đa theo công thức đã quy định. Sau khi công bố, thương nhân thông báo giá bán cho cơ quan nhà nước để giám sát.

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được sử dụng thường xuyên, liên tục theo quy định hiện nay. Tuy nhiên, cơ quan thanh tra, kiểm tra của Đảng có ý kiến về việc trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay được thực hiện thường xuyên, liên tục, không có thời gian cụ thể là chưa phù hợp với quy định tại Luật Giá.

Do vậy, cần có cơ chế mới thay cho cơ chế điều hành giá hiện nay và cơ chế này cần được thể hiện công khai, minh bạch để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo được và quyết định tự công bố giá theo quy định của pháp luật. Đây cũng là cơ chế điều hành nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang áp dụng.

Các vấn đề khác: bổ sung chế tài áp dụng khi thương nhân không thực hiện đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; quy trình xử lý vi phạm của thương nhân; trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu… 

Nghị định về kinh doanh xăng dầu đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung nên cũng cần hợp nhất lại thành một Nghị định cùng với các nội dung mới để doanh nghiệp, người dân và cơ quan điều hành thuận lợi trong việc nghiên cứu và thực thi. Bởi vậy, từ những nội dung trên, việc nghiên cứu, ban hành một Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế cho các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện hành (Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, Nghị định số 80/2023/NĐ-CP) là cần thiết.

Mục tiêu của việc xây dựng Nghị định là nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong nước. Quan điểm xây dựng Nghị định là nhằm thực hiện cơ chế thị trường đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp…).

Nguyên tắc khi xây dựng Nghị định là nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; Giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; Xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; Kế thừa những quy định của cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện hành và bổ sung mới các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn kinh doanh xăng dầu.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang