Cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để thị trường mua bán carbon hoạt động hiệu quả

author 15:59 15/06/2024

(VietQ.vn) - Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam phát triển bền vững, cần thiết lập và hoàn thiện khung pháp lý rõ ràng, toàn diện.

Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng lớn trong phát triển thị trường tín chỉ carbon, không chỉ vì nguồn lực rừng phong phú mà còn nhờ vào sự đa dạng của các dự án giảm phát thải trong nông nghiệp, năng lượng tái tạo và quản lý chất thải. Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon.

Đặc biệt, theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về số lượng dự án triển khai theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), với 258 dự án được Ban điều hành Cơ chế phát triển sạch phê duyệt và 13 chương trình hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch, tiềm năng gần 140 triệu tấn CO2 tương đương trong thời hạn tín chỉ. Trong đó, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ, 24 dự án theo Tiêu chuẩn carbon được thẩm tra đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ.

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng, hệ thống pháp luật cho thị trường này của Việt Nam vẫn còn hạn chế, hiện chỉ đang quy định vấn đề cơ bản như giao nhiệm vụ hình thành hoặc đưa ra định nghĩa về thành phần của thị trường carbon dẫn tới thực tiễn thực hiện còn phát sinh một số bất cập. Do đó, để thị trường carbon hoạt động hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý hoàn thiện cho thị trường này.

GS. TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM) đánh giá, việc tham gia thị trường tín chỉ carbon còn mở ra khả năng hợp tác với các tổ chức quốc tế, nhận được hỗ trợ tài chính và công nghệ từ các quỹ đầu tư xanh. "Cơ hội đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo không chỉ giúp giảm chi phí dài hạn mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và tuân thủ quy định phát thải nghiêm ngặt hơn", ông Vinh chia sẻ.

Trong khi đó, ông Cao Tung Sơn - Trưởng phòng Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho rằng, TP.HCM có nhiều thuận lợi để thực hiện các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm tạo ra tín chỉ carbon như có thể tận dụng các mái nhà công để tăng cường tiết kiệm năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo, giảm lượng khí thải, chuyển đổi sang xe máy điện…

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Hà Công Anh Bảo, Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương cho biết, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ, bởi không chỉ dư địa lớn từ rừng mà còn ở các ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông lâm nghiệp...

Ảnh minh họa.

Vì vậy, để biến tiềm năng carbon rừng hay năng lượng tái tạo thành hàng hóa, mang lại nguồn thu thì việc sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý hoàn chỉnh chuyên sâu để thúc đẩy đầu tư và vận hành thị trường tín chỉ carbon là việc làm có ý nghĩa tiên quyết. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nước ta đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ đã tái cam kết tại Cop28. Đó là:

Cần phải xem tín chỉ carbon là hàng hóa: Các quy định của pháp luật đến thời điểm này ngay cả tín chỉ carbon rừng cũng chưa rõ có được coi là một loại lâm sản hay không. Tại khoản 16, Điều 2, Luật Lâm nghiệp 2017 giải thích: “Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến” (nghĩa là không bao gồm có tín chỉ carbon rừng). Một khi chưa xác định tín chỉ carbon là hàng hóa thì việc giao dịch mua bán trên thị trường thông qua phương thức nào cũng đều không thể coi là “danh chính ngôn thuận”. Vì vậy, Luật Lâm nghiệp và các luật có liên quan cần được điều chỉnh, bổ sung theo hướng công nhận, carbon được hấp thụ và lưu giữ trong rừng là một loại lâm sản; hoặc carbon thu giữ được các ngành năng lượng tái tạo là một loại hàng hóa đặc biệt.

Xác định quyền sở hữu tín chỉ carbon để hạn chế phát sinh tranh chấp: Khi tín chỉ carbon trở thành hàng hóa giao dịch thành công trên thị trường giống như bất cứ loại hàng hóa khác thì chắc chắn sẽ phát sinh tranh chấp quyền sở hữu. Bởi không chỉ là giá trị mang lại mà ở chỗ vì đó là một loại hàng hóa đặc biệt (không cầm nắm được), muốn xác định được phải thông qua phương tiện máy móc ghi nhận. Như vậy, hành lang pháp lý cần có (trong Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan) đó là phải có quy định cụ thể về quyền sở hữu đối với tín chỉ carbon.

Xác lập quyền sở hữu tín chỉ carbon phải đảm bảo đồng thời đạt được mục đích kép: Vừa hạn chế đến mức thấp nhất sự tranh chấp giữa các chủ rừng hay chủ dự án khi thực hiện các dự án đầu tư khai thác năng lượng tái tạo nhưng cũng vừa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác tín chỉ carbon. Ví dụ: Tín chỉ carbon của những khu rừng tự nhiên giao cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, các tổ chức ngoài nhà nước thì chủ thể này là chủ sở hữu những tín chỉ carbon tăng thêm do thực hiện hoạt động bảo vệ rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng; hoặc tín chỉ carbon của rừng trồng là rừng sản xuất do chủ rừng tự đầu tư thì thuộc về sở hữu của chủ rừng...

Luật hóa quy trình xây dựng và vận hành tín chỉ carbon: Carbon rừng nói riêng và carbon thu được từ các năng lượng tái tạo khác chỉ trở thành hàng hóa khi được xác nhận là tín chỉ. Có nghĩa phải qua quá trình nghiên cứu khả thi, lập dự án, thẩm tra hồ sơ, xác nhận tín chỉ, phát hành và chuyển nhượng, trao đổi, bù trừ. Đây là một quá trình đặc thù, nhiều giai đoạn phải được các tổ chức độc lập thực hiện, trong khi đó đến thời điểm này Việt Nam chưa có các quy định điều chỉnh việc thực hiện các bước hoặc có nhưng chưa phù hợp với thị trường carbon và thông lệ quốc tế...

Những trở ngại từ Đề án bán tín chỉ carbon rừng ở Quảng Nam cho thấy nút thắt nằm ở chỗ do thiếu quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến các hoạt động quản lý nhà nước về carbon rừng như điều tra, thống kê, kiểm kê, theo dõi diễn biến và giám sát rừng hằng năm chưa được công bố. Vì vậy nếu không có hành lang pháp lý điều chỉnh để các cơ quan có chức năng của nhà nước có nghĩa vụ phối hợp, thì các địa phương rất khó để tự mình thiết kế và tổ chức thực hiện thành công tín chỉ carbon.

Những vướng mắc, bất cập trên cần sớm được khắc phục. Bởi nếu không có hành lang pháp lý điều chỉnh phù hợp để khuyến khích đầu tư và khai thác tín chỉ carbon thì rất khó biến tiềm năng thành hiện thực và đưa thị trường tín chỉ carbon vận hành theo đúng lộ trình mà Chính phủ đã đặt ra.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang