Việt Nam chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng làm tiêu chí đánh giá

author 17:01 15/05/2023

(VietQ.vn) - Từ khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài luôn được xác định đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Sau hơn 35 năm mở cửa, tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn, công nghệ hiện đại đã và đang đầu tư, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Trong hành trình đó, có nhiều những cái tên không thể không nhắc tên.

Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất, đó là: Samsung, Nestlé, SABECO, Piaggio, Panasonic. Trong lĩnh vực ngân hàng, đó là HSBC, UOB. Hay Dragon Capital, Frasers Property Vietnam, Gamuda Land trong lĩnh vực bất động sản. AEON trong lĩnh vực bán lẻ. Trong lĩnh vực dịch vụ, tư vấn có DKSH, KPMG...

Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ảnh minh họa. 

Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án trên 3 phương diện: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước. Trong xu hướng này, các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển bền vững...

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các nhà đầu tư nước ngoài đã mang đến cho chúng ta vốn, kinh nghiệm, công nghệ… Chính các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: dầu khí, điện tử, viễn thông…

"Khu vực đầu tư nước ngoài cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nâng cao trình độ tiếp nhận công nghệ của nền kinh tế; đồng thời, tạo sức ép để nhiều doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước, cũng như nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên thế giới và khu vực, giúp Việt Nam vươn ra biển lớn thành công", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Để tiếp tục thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, công nghệ cao và sức lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể, bao gồm: tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, các địa phương cần rà soát toàn bộ khu công nghiệp, công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh/thành phố, các vùng/miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhiều lần khẳng định, muốn đón đầu được dòng vốn đầu tư dịch chuyển, Việt Nam cần có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực đất đai, nhân lực, hạ tầng... đồng thời, tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang