Việt Nam đứng trước cơ hội, thách thức trong xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon

author 19:17 07/03/2024

(VietQ.vn) - Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Liên minh châu Âu hay Hoa Kỳ.

Cơ hội đối với Việt Nam trong việc xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon

Tín chỉ carbon không chỉ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Trong lộ trình giảm phát thải ròng về mức 0 (Net Zero) đến năm 2050 của Việt Nam, nguồn tài chính bền vững cho quá trình này không chỉ đến từ khu vực công-tư mà còn đến từ thị trường tín chỉ carbon. Việt Nam hiện xây dựng thị trường tín chỉ carbon, dự kiến thí điểm từ năm 2025, hoàn thiện khung pháp lý vào năm 2027 và vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Và đây là thị trường mang yếu tố bắt buộc. Điều này nghĩa là các doanh nghiệp sẽ bị kiểm soát việc phát thải khí nhà kính, nếu xả thải nhiều hơn hạn ngạch đặt ra thì có thể mua thêm tín chỉ carbon trên thị trường bắt buộc hoặc một phần nhỏ từ thị trường tự nguyện để bù trừ.

Việc xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả. Đồng thời, thị trường tín chỉ carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon. Thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi tối đa từ thương mại quốc tế, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), cũng như tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính, có sự quan tâm cao tới bảo vệ môi trường như Liên minh châu Âu hay Hoa Kỳ.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều thương vụ “bán không khí thu kinh phí”, thu về khoảng 60 triệu USD. Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi đã được triển khai tại 53 tỉnh, bán được gần 3,1 triệu tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD và xây dựng 181.683 công trình khí sinh học, mang lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, năm 2023, với 2% diện tích trồng rừng vượt mức kế hoạch, lần đầu tiên Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng).

Việt Nam đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng phát thải carbon nhanh chóng, đứng trong tốp 10 quốc gia có tốc độ tăng cao nhất thế giới từ năm 2010 đến 2022. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon nhờ đặc thù tự nhiên, nhất là carbon rừng với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu héc-ta, độ che phủ rừng 42%. Ước tính bình quân mỗi năm rừng Việt Nam tạo ra khoảng 50-70 triệu tín chỉ carbon rừng dôi dư, tạo nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công cho các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng giảm từ 5 đến 10 tấn khí thải carbon mỗi năm cho mỗi héc-ta lúa, tạo ra nguồn thu từ việc bán tín chỉ carbon lên đến 50-100 triệu USD mỗi năm.

Ảnh minh họa 

Những thách thức Việt Nam phải đối mặt

Việc xuất khẩu tín chỉ carbon của nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là khó khăn trong định giá tín chỉ carbon do tính vô hình của chúng. Tín chỉ này phải đủ chất lượng, được xác nhận thì mới có thể thành hàng hóa để giao dịch. Việc xác định chất lượng của nó trở nên phức tạp trong một thị trường đa phương, với nhiều quy trình khác nhau. Sự đa dạng này dẫn đến việc các dự án có thể bán tín chỉ carbon với giá khác nhau, như trường hợp 6 tỉnh Bắc Trung Bộ bán giá 5 USD/tấn CO2 cho WB trong khi một số dự án lâm nghiệp khác bán với giá 17 USD/tấn CO2.

Chưa kể việc tồn dư hạn ngạch phát thải để đóng gói và đem bán tín chỉ carbon trên thị trường, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, rồi phải cân đối giá cả. Vấn đề nằm ở chỗ giá bán mà doanh nghiệp mong muốn chưa chắc đã được các bên mua đồng ý, nhưng nếu bán thấp quá thì doanh nghiệp lại không có động cơ để đầu tư, dễ dẫn đến vòng luẩn quẩn. Hiện nay đa phần đều là dự án thí điểm, các tín chỉ carbon mang tính bắt buộc ở quy mô quốc gia và tín chỉ carbon tự nguyện ở một số tập đoàn, chứ chưa hình thành được thị trường mua bán.

Tiếp theo là khó khăn trong xác định mức xả thải. Bản chất của hệ thống kiểm soát phát thải là buộc các doanh nghiệp phải tăng đầu tư vào công nghệ sản xuất để giảm phát thải trong dài hạn, hoặc có cơ chế để doanh nghiệp tối ưu chi phí giảm phát thải nếu khó đầu tư trong ngắn hạn. Nhìn chung, việc xây dựng định mức phát thải tiêu chuẩn cho từng lĩnh vực, từng cơ sở là không hề dễ dàng, vì thực tế có một số ngành rất khó để đo lường lượng phát thải. Mặt khác, nếu yêu cầu về hạn ngạch quá cao thì ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa đủ “giàu” thì khó mà “sạch” được. Còn nếu yêu cầu quá thấp thì lại gây hiệu ứng ngược khi doanh nghiệp không có động cơ giảm thải và lộ trình Net-zero từ đó cũng bị ảnh hưởng theo. Rắc rối có thể nằm ở việc một công ty thay vì đầu tư vào công nghệ sản xuất để giảm phát thải trong dài hạn, thì lại ưu tiên chi tiền để mua thêm hạn ngạch hay tín chỉ carbon từ thị trường tự nguyện.

Tiếp đến là vấn đề thiếu trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và chuyên môn sâu về kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực kiểm kê giảm phát thải. Kiểm kê khí nhà kính phải dựa trên sự công nhận của quốc tế nên các đơn vị phải có đủ đội ngũ chuyên gia để thành lập được hội đồng thẩm định. Chính vì thế, việc chậm trễ hoàn thành Báo cáo tổng kiểm kê khí nhà kính toàn cầu lần 1 (Global Stocktake 1) năm 2023 là điều không tránh khỏi.

Cuối cùng là khó khăn đến từ sự thiếu quan tâm của doanh nghiệp bởi họ còn gặp nhiều vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Song hạn chế không có nghĩa là không tham gia thị trường tín chỉ carbon, bởi việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn trong thời gian tới là yêu cầu bắt buộc với Việt Nam chứ không còn là khuyến nghị. Tất cả doanh nghiệp, dù muốn hay không vẫn phải thực hiện để tham gia vào thương mại và đầu tư toàn cầu. Từ tháng 10-2023, Liên minh châu Âu EU đã áp hàng rào liên quan đến thuế carbon, nếu thực hiện theo các quy định thì sản phẩm của doanh nghiệp Việt sẽ gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường carbon

Mặc dù đã có những động thái và bước tiến nhất định trong việc xây dựng các nền tảng tạo điều kiện để thị trường carbon đi vào hoạt động chính thức, song việc xây dựng thị trường carbon là cả quá trình bao gồm nhiều yếu tố từ chủ trương, chính sách đến các yếu tố kỹ thuật, nhân lực và tài chính phối kết hợp với nhau. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế thị trường carbon. Chính phủ cần tạo ra cơ chế khuyến khích và hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia tự nguyện vào thị trường. Cần cải thiện công cụ hỗ trợ về thuế và tiếp cận tín dụng. Việc tổ chức và quản lý thị trường cần được cải thiện thông qua cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành bảo đảm hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới và giảm phát thải.

Tiếp theo là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực vận hành thị trường, bao gồm việc thành lập các ban kỹ thuật trực thuộc các bộ, ban, ngành liên quan để tư vấn về các vấn đề chuyên môn, như đo lường, thẩm định, kiểm toán lượng khí thải carbon để thực hiện quy đổi số tín chỉ và mức hạn ngạch một cách chính xác. Việc thiếu các bộ phận hỗ trợ này có thể tạo rào cản cho triển khai công cụ định giá carbon, tăng chi phí và thời gian giao dịch. Cuối cùng là phải nâng cao nhận thức và hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường tín chỉ carbon. Việc này cần sự nhập cuộc nhanh chóng của doanh nghiệp và truyền thông đóng vai trò quan trọng.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang