Sản phẩm gỗ giả xuất xứ Việt Nam xuất hiện tràn lan thị trường

author 16:00 02/05/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều sản phẩm gỗ giả mạo xuất xứ Việt Nam gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp gỗ trong nước.

Việc gian lận xuất xứ hàng hóa, khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng 

Theo chia sẻ của giám đốc một công ty gỗ có nhà máy đặt tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương) cho biết, gỗ vốn là ngành xuất khẩu chủ lực tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung, được thị trường thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do tác động địa chính trị thế giới, dịch COVID-19, cùng với tình trạng “hàng nhái” khiến nhiều doanh nghiệp gỗ lao đao.

Doanh nhân này tiết lộ, ông từng được vài doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở nước ngoài đề nghị hợp tác thành lập công ty lắp ráp các mặt hàng đã sản xuất sẵn từ nước ngoài rồi lấy thương hiệu Việt Nam cho sản phẩm.

Ông chia sẻ: “Họ đưa ra giá trị lợi nhuận rất cao song do nhận thức được tác hại của việc hợp tác để giả mạo xuất xứ hàng hóa nói trên nên tôi không đồng ý. Sau đó, họ cũng tìm được doanh nghiệp khác để tiến hành hợp tác theo cách thức mà tôi đã từ chối”.

Khẳng định hiện tượng trên là có thật, ông Phạm Văn Xô - Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương cho biết, ông đang làm chủ một công ty và được không ít doanh nghiệp nước ngoài tìm đến mời hợp tác. Ông Xô đã từ chối thẳng thừng khi nghe đến việc hàng hóa sản xuất ở nước ngoài lấy nhãn mác xuất xứ “Made in Viet Nam”.

Tình trạng gỗ giả mạo xuất xứ Việt Nam gây ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp cần siết chặt. Ảnh minh họa

“Tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài muốn được chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba là rất đáng lo ngại. Việc gian lận xuất xứ hàng hóa, khiến nhiều ngành sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương nói.

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết, các sản phẩm gỗ giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam nhằm trục lợi thuế khi xuất khẩu sang các nước khác không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu ngành gỗ trong nước.

Chủ tịch BIFA nêu dẫn chứng: “Nhiều mặt hàng gỗ không ghi xuất xứ hàng hóa nhưng bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, các đối tượng nước ngoài đưa vào Bình Dương kinh doanh, tiêu thụ, thành lập công ty với nhiều loại hàng hóa, thiết bị, linh kiện khác nhau, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh và lấy thương hiệu “Made in Viet Nam”.

Theo ông Liêm, một số mặt hàng ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro về lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tại thị trường Mỹ. Rủi ro được hình thành khi các mặt hàng này hoặc bộ phận của mặt hàng được nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam, lấy nhãn mác xuất xứ từ Việt Nam trong khi không đủ điều kiện để có được chứng nhận xuất xứ theo quy định nhưng sau đó được xuất khẩu vào Mỹ. Nhiều DN gỗ ở Bình Dương đã bị ảnh hưởng về việc này.

Giải thích lý do các công ty ở nước ngoài tìm cách tiếp cận DN tại Việt Nam, Chủ tịch BIFA cho biết, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Từ đó, một số công ty sản xuất hàng hóa ở nước ngoài, bằng cách thức khác nhau, tìm cách đưa hàng hóa vào Việt Nam, gian lận xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu, hưởng ưu đãi thuế dành cho nước thành viên của các hiệp định mà ở nước họ không có.

Yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng

Từ những bất cập, khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu biện pháp về phòng vệ thương mại. Cụ thể, hiện nay, các nước hạn chế gian lận thương mại bằng cách yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng. Công ty xuất khẩu sản phẩm phải chứng minh được đang nằm trong chuỗi cung ứng của sản phẩm đó. Nếu không, chắc chắn công ty đó gian lận xuất xứ.

“Việt Nam cần phải làm như vậy mới có thể tránh được việc các công ty đầu tư nước ngoài chen ngang sản phẩm và mượn xuất xứ Việt Nam. Để làm được điều này, cần phải kiểm soát cả đầu ra và đầu vào, kể cả các doanh nghiệp trong nước” - Chủ tịch BIFA Nguyễn Liêm đề xuất.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, với hơn 85% doanh nghiệp hoạt động gia công, sản xuất, xuất khẩu được hưởng các quy định về miễn thuế nên địa phương này luôn tiềm ẩn nguy cơ về gian lận thương mại. Hải quan Bình Dương đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát, chủ động rà soát những bất cập về chính sách để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Mặt khác, tỉnh chú trọng công tác tự đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm soát hải quan để bảo đảm thực thi hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn.

Còn theo Bộ Công Thương, vì tình trạng gian lận xuất xứ hàng hoá, các nước trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách thay đổi lớn như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước, trong hoạt động thương mại, đặc biệt các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn có tác động rất lớn đến nền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mai tự do (FTA), song cũng vì thế, hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ hàng hoá Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… để lẩn tránh mức thuế suất cao do các nước này áp dụng…

Các thủ đoạn gian lận xuất xứ có ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu. Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, các đối tượng sử dụng chứng từ phổ biến trong xuất nhập khẩu hàng hóa, và là chứng từ quan trọng để xác định xuất xứ hàng hóa (C/O) giả, C/O không hợp lệ khi làm thủ tục hải quan hay khai sai các thông tin trên C/O để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt khi làm thủ tục hải quan như khai không đúng hàm lượng giá trị khu vực (RVC), khai sai tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC),…., khai sai người đứng tên tại ô số 1 (đối với C/O mẫu E - giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)…

Trên thực tế, đã có trường hợp hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam, nhưng các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.

Việc gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu mang lại lợi ích trước mắt của một nhóm đối tượng nhưng ảnh hưởng lâu dài và nghiêm trọng đến doanh nghiệp nước ta. Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu dễ trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra phòng vệ thương mại.

Để đảm bảo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chỉ dành cho các nhà sản xuất và thương mại Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề xuất và soạn thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, và hàng hóa nhập khẩu. Tiếp đó là Thông tư số 05/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa và kê khai xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang