Gấp rút thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal

author 14:23 31/10/2023

(VietQ.vn) - TP.HCM đang triển khai nhiều hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất - tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững.

Sáng 31/10 tại TP.HCM diễn ra “Diễn đàn hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) phối hợp Sở Công Thương, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Tổng Lãnh sự quán Malaysia, Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Indonesia, Tổng Lãnh sự quán Cộng hòa Singapore tại TP.HCM tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh, Diễn đàn là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá Halal quốc tế, tăng cường hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo. Đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo tại ASEAN nói chung, TP.HCM nói riêng.

Theo ông Võ Văn Hoan, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở thị trường mới, còn nhiều dư địa, được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, thị trường Halal toàn cầu là một trong những thị trường có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng của trong tương lai. Hiện nay, hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho biết, mặc dù thị trường Halal rộng lớn, hứa hẹn tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực phẩm tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng thực tế xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp vào thị trường này mới chỉ là bước đầu khai phá. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu. Bình quân, mỗi năm Việt Nam có 50 doanh nghiệp - một con số khá thấp so với tiềm năng được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay…

Doanh nghiệp Việt Nam đang tư vấn các đối tác nước ngoài sản phẩm đạt chứng nhận Halal. Ảnh: Congthuong

Do vậy, việc phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam được Chính phủ, bộ, ngành gấp rút thúc đẩy phát triển. Những cơ sở tiêu chuẩn chất lượng, đầu tư nguồn nhân lực cho doanh nghiệp phát triển ngành này cũng được các bộ ngành triển khai.

Chính phủ cũng dành nhiều sự quan tâm phát triển ngành công nghiệp Halal, điều này thể hiện rõ qua việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”; thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia - TCVN về lĩnh vực Halal và xây dựng đề án thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng đang tích cực làm việc với tổ chức chứng nhận Halal của các nước để triển khai ký kết việc thừa nhận lẫn nhau đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Riêng TP.HCM, UBND Thành phố cũng đang chủ động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá Halal quốc tế, tăng cường các hoạt động xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo.

Cụ thể, thành phố tập trung các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, nhất là lĩnh vực thực phẩm và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi… hình thành nhiều tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho cộng đồng người Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal vốn ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.

Về lâu dài, thành phố sẽ hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ tiếp cận những thông tin, tăng cơ hội liên kết vùng nói chung để phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Halal. Đồng thời, trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển sản phẩm theo quy trình chuẩn chất lượng Halal cũng như khai thác tiềm năng hợp tác và phát triển lĩnh vực sản xuất thực phẩm; đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước Hồi giáo.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang