VNA, Vietjet mua tàu bay mới: Hiện đại hàng đầu thế giới

author 16:45 13/07/2015

"Giá vé các chặng bay nội địa của chúng ta còn quá cao, trong khi các dịch vụ hàng không cả mặt đất, sân bay … lại còn rất hạn chế".

Đó là nhận định của GS. TS Đặng Đình Đào – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội trước việc các hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air đầu tư vốn vào trang bị đội tàu bay thế hệ mới.

Chưa có đội máy bay vận tải hàng hóa

PV:- Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vừa tiếp nhận chiếc Boeing 787 Dreamliner một siêu phẩm của ngành hàng không hiện nay, để trở thành nước thứ 2 sau Qatar Airways (Qatar) sở hữu siêu phẩm này. Được biết, chỉ riêng trong năm 2015, VNA sẽ chi hơn 21,2 nghìn tỷ đồng để đầu tư cho đội tàu bay.

Cũng không kém cạnh, hãng hàng không Vietjet Air cũng vừa chi 56 triệu USD để mua động cơ máy bay, trước đó, bên lề triển lãm hàng không Paris, hãng bay tư nhân này cũng đã ký hợp đồng mua thêm 6 chiếc A321 với nhà sản xuất Airbus với trị giá hơn 680 triệu USD.

Việc các hãng bay đua nhau bỏ ra số tiền "khổng lồ" để trang bị những máy bay hạng sang phục vụ cho hành khách, có phải là tín hiệu đáng mừng hay không, thưa ông?

GS. TS Đặng Đình Đào: - Việc các hãng hàng không đầu tư mua nhiều máy bay thế hệ mới, để hiện đại hóa đội ngũ tàu bay, theo tôi đây là điều đáng mừng. Mừng vì các DN dám đầu tư, tính đến tương lai, dự báo được thị trường hàng không sẽ phát triển trong thời gian tới, nên mới mạnh tay đầu tư như vậy.

Nhưng có điều nếu đầu tư máy bay hạng sang mà giá vé quá cao và các dịch vụ cứ yếu kém như hiện nay thì rõ ràng sẽ gây cản trở cho tăng trưởng, phát triển du lịch, vận chuyển hàng khách bằng đường hàng không...

Với mức giá, dịch vụ như hiện nay - nó không những không giúp tăng trưởng mà còn làm ảnh hưởng đến việc khai thác thị trường du lịch trong nước. Đáng lẽ ra, ngành du lịch trong nước phải phát triển mạnh hơn, nhưng thực tế thì chúng ta lại yếu hơn nhiều so với thị trường du lịch các nước trong khu vực.

Thực tế, người Việt Nam đang có xu hướng đi du lịch nước ngoài ngày càng đông hơn.

PV:- Các chuyên gia phân tích hàng không đã đưa ra nhận định tương lai đội tàu bay của VN sẽ hiện đại nhất thế giới, ông có đồng tình với quan điểm này hay không? Tại thời điểm hiện tại, nếu so sánh với đội tàu bay của các nước có điều kiện hơn VN thì chúng ta có thua kém nhiều không, thưa ông? Vì sao ạ?

GS. TS Đặng Đình Đào: - Với mức đầu tư như hiện nay vào đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam thì tôi cho rằng nhận định của các chuyên gia là hoàn toàn có cơ sở.

Hiện tại với số lượng các sân bay quốc tế được đầu tư đưa vào khai thác của Việt Nam và đội tàu bay các loại hiện có, có thể nói Việt Nam là nước có tốc độ phát triển nhanh về vận tải hàng không, không thua kém gì các nước trong khu vực.

Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines

Sự thua kém hiện nay của Việt Nam chính là đội máy bay vận tải hàng hóa chuyên dùng. Tất cả các sân bay quốc tế của Việt Nam lại chưa kết nối với các trung tâm logistics được quy hoạch và xây dựng.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa có đội máy bay vận tải hàng hóa. Qua đợt xuất khẩu vải lần đầu tiên qua Malaysia, Austrailia cho thấy rõ điều này. Thời gian tới, việc đầu tư vào đội tàu bay Việt Nam cần phải tiến đến khoảng trống này.

Phải có chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp

PV:- Với sự đầu tư của các hãng hàng không, hành khách đang được hưởng cơ sở vật chất rất tốt với các tàu bay thế hệ mới, cũng như dịch vụ bay được nâng cấp theo chuẩn 4 sao. Nhưng với mức giá vé hiện nay, hành khách vẫn đánh giá là khá cao. Theo ông, như vậy có bất công với các hãng hàng không hay không? Xin ông phân tích cụ thể.

GS. TS Đặng Đình Đào: - Đúng là hiện nay giá vé các chặng bay nội địa của chúng ta còn quá cao, trong khi các dịch vụ hàng không của Việt Nam cả mặt đất, sân bay … lại còn rất hạn chế.

Điều này đòi hỏi ngành hàng không, các hãng hàng không phải tính toán, cân nhắc và khắc phục. Đã đến lúc ngành hàng không cần liên kết, kết nối với các ngành, nhất là ngành Thương mại, du lịch để tìm cách giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; không thể để “Giá máy bay vào ra Đà Nẵng hay Huế bằng cả một tour đi du lịch Thái Lan hay Singapore”?

Với giá tàu bay và các dịch vụ như hiện nay chúng ta khó mà thúc đẩy lưu thông hàng hóa, thúc đẩy du lịch nội địa, làm cho người Việt Nam lại đua nhau đi du lịch nước ngoài.

Theo Báo Đất Việt


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang