Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Đền bù 3,9 tỷ đồng là thiếu cơ sở

author 10:32 25/09/2016

(VietQ.vn) - Uống C2 và Rồng đỏ nhiễm chì hại thế nào? Nguyên nhân nhiễm vì đâu ...Có ý kiến cho rằng, việc chưa rõ ràng đã đưa ra mức đền bù 3,9 tỷ là thiếu cơ sở.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB phụ nữ với tiêu dùng, trước khi quan tâm đến con số đền bù, cơ quan chức năng cần làm rõ người tiêu dùng cụ thể là ai đã phải chịu thiệt hại. Nếu không xác định được người tiêu dùng cụ thể, vậy bây giờ số tiền đó để làm gì, đi về đâu, bồi thường cho ai… “Nếu tiền phạt hay tiền đền bù mà không minh bạch thì người tiêu dùng cũng không hề hưởng ứng”, bà Quỳnh Chi đưa ra quan điểm.

Theo bà Quỳnh Chi, trong vụ việc C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì sẽ rất khó và có thể là không xác định được cụ thể người tiêu dùng nào đã sử dụng sản phẩm. Không xác định được nên việc định lượng và định tính để đưa ra một con số đền bù là rất khó.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi

Bà Quỳnh Chi cho rằng, vấn đề lớn nhất, đáng quan tâm nhất là sức khỏe người tiêu dùng chứ không phải là tiền. Các cơ quan chức năng, các nhà khoa học phải làm rõ, lượng chì trong một chai nước là bao nhiêu? Nếu một người bình thường uống một chai đó nguy cơ ra sao, trẻ em uống có khả năng bị thế nào? Thể trạng người khỏe uống có sao không? Nếu người già, người đang ốm uống phải thì nguy cơ làm sao….

“Doanh nghiệp sai đương nhiên về mặt quản lý nhà nước sẽ bị phạt nhưng với người tiêu dùng bị tổn hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại thì phải làm rõ lúc đó mới đưa ra được cách cũng như mức bồi thường phù hợp. Riêng vấn đề tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh khi uống phải sản phẩm nhiễm chì phải được làm rõ. Đến bây giờ người tiêu dùng cũng chỉ biết là C2, Rồng đỏ nhiễm chì nhưng chẳng ai nhận được khuyến cáo nào từ cơ quan chức năng”, bà Quỳnh Chi thắc mắc.

Ngoài ra, theo bà Quỳnh Chi, cơ quan chức năng cũng phải xác định tại sao chì có trong sản phẩm C2 và Rồng đỏ? Lỗi từ nguyên liệu hay do quá trình sản xuất? Khi chưa làm rõ được những câu hỏi như trên đã đưa ra một con số đền bù bà Quỳnh Chi cho rằng là không thỏa đáng.

Một điều nữa mà bà Quỳnh Chi cho rằng hết sức vô lý là hiện nay một số cơ quan truyền thông vẫn quảng cáo về sản phẩm C2 và Rồng đỏ. “Khi sản phẩm đã bị lỗi, cho dù chỉ là một bộ phận mà vẫn tiếp tục quảng cáo là nghịch lý. Đáng ra, C2 và Rồng đỏ không được quảng cáo nữa”, bà Quỳnh Chi đưa ra quan điểm.

C2 nhiễm chì vẫn bán tại Phú Yên: Có thể phạt tiếp nhà sản xuất URC(VietQ.vn) - Để C2 nhiễm chì vẫn bán tại Phú Yên, URC đã vi phạm về trách nhiệm thu hồi hàng hóa có khuyết tật, có thể bị xử phạt từ 10 tới 50 triệu đồng tùy mức độ.

Bà Quỳnh Chi cũng đưa ra kiến nghị: Vụ việc C2 và Rồng đỏ nhiễm chì là vụ việc nghiêm trọng, không chỉ liên quan đến Luật bảo vệ người tiêu dùng mà còn liên quan đến Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, Luật cạnh tranh, Luật thương mại. Phải vận dụng tất cả các Luật đó vào thì mới xử lý đến nơi đến chốn sai phạm của URC.

Liên quan đến vấn đề chì nguy hiểm thế nào khi đi vào cơ thể, GS. Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam nhấn mạnh: “Chì là một kim loại nặng và rất độc hại. Tôi không nói thêm về việc nói độc đến mức nào nữa bởi mọi người đều đã biết và nói rất nhiều. Thế nhưng, với việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đề xuất Công ty URC bồi thường 3,9 đồng tôi cho rằng không có cơ sở”.

GS.Từ Ngữ nhấn mạnh: “Nếu buộc công ty bỏ tiền ra bồi thường thì vấn đề đặt ra là sẽ gửi vào quỹ nào, bồi thường cho ai, tiền đi đâu, giúp đỡ người tiêu dùng nào, giải ngân ra sao,… Chỉ riêng cãi nhau về những chuyện ấy thì đến 10 năm cũng chưa giải quyết được nên khả năng công ty không phải chi số tiền ấy là rất cao”.

 C2 và Rồng đỏ tiếp tục gây nên nhiều tranh cãi.

Chất lượng sản phẩm C2 và Rồng đỏ tiếp tục gây nên nhiều tranh cãi

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN) đặt câu hỏi: “Tại sao là 3,9 đồng chứ không phải 10 tỷ hay 39 tỷ đồng? căn cứ nào để đưa ra con số đó?”.

Việc bồi thường phải rõ ràng, rành mạch, chứ không thể chung chung. “Tôi cho rằng, việc cơ quan chức năng xử phạt doanh nghiệp là đúng và họ đã thực hiện rồi. Còn Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đề xuất URC bồi thường như đã nêu là không có cơ sở. Muốn đưa ra mức bồi thường phải xác định, người tiêu dùng bị thiệt hại ra sao (về kinh tế, sức khỏe). Hiện tại mới xác định được yếu tố kinh tế do đó chưa thể đưa ra được con số bồi thường”, PGS. Thịnh nói.

Trước đó, trong buổi làm việc giữa Công ty URC (đơn vị sản xuất 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ) và Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN (Vinastas), ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Vinastas, đã đề nghị URC phải dành ra một khoản tài chính để bồi thường cho người tiêu dùng.  Mức bồi thường đề xuất dựa trên tổng số sản phẩm nhiễm chì đã bán ra thị trường nhưng không thu hồi được, tương đương số tiền gần 3,9 tỉ đồng. Dù phía URC chưa có ý kiến về vấn đề này nhưng số tiền Vinastas đề nghị đã gây nên tranh cãi.

Nguồn: Phụ nữ Việt Nam

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang